Doanh thu báo chí thời chuyển đổi số

"Tôi nhận thấy chính trong mấy năm đại dịch, những điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuyển đổi số đã nảy sinh, các cơ quan báo chí cũng có động lực lớn hơn trong chuyển đổi số. Thậm chí có thể nói, đại dịch đã làm thức tỉnh nhiều cơ quan báo chí về vấn đề chuyển đổi số".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là nhìn nhận của nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam Plus khi nói về xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí hậu đại dịch COVID-19.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật dẫn lại câu chuyện từng có Phó tổng biên tập một tờ báo lớn trong nước chia sẻ nhiều lần về câu chuyện chuyển đổi số của báo. Trước đây, tờ báo ấy từng khá chậm chạp trong chuyển đổi số, nhất là khi mảng báo in của họ còn mang về được lợi nhuận. Đã từng có lúc họ nghĩ họ không cần phải thay đổi gì.

Cho đến khi đại dịch xảy ra, tờ báo khi ấy mới nhận thấy chuyển đổi số là nhu cầu, động lực bắt buộc. Xu thế tương tự cũng diễn ra trên thế giới.

Vậy trong xu thế này, những nguồn doanh thu của báo chí có thể bị tác động thế nào, thưa ông?

Có hai nguồn thu lớn nhất với báo chí, bao gồm nguồn thu từ độc giả, ở đây được hiểu là doanh thu từ bán báo và doanh thu từ trả phí đọc báo, và nguồn thứ hai là từ quảng cáo.

Có thể nhìn thấy rõ ràng quảng cáo trên các kênh báo chí hoặc tivi càng ngày càng suy giảm. Trong khi đó trên các kênh mạng xã hội như YouTube tràn ngập quảng cáo. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không còn tiếp tục quảng cáo trên các kênh truyền thống nữa, mà lựa chọn quảng cáo trên những kênh mới.

Trong quảng cáo có quảng cáo trên báo in và quảng cáo số. Quảng cáo trên báo in vẫn tiếp tục giảm, trong khi quảng cáo trên kênh số ngày một tăng trưởng mạnh hơn. Ở Việt Nam, dư địa phát triển nền tảng số rất tốt. Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu dân, số người kết nối Internet lên đến 70% dân số.

Ở Việt Nam, việc trả phí đọc báo chưa trở thành thói quen thường lệ của độc giả, chính vì vậy nguồn thu từ mảng này còn quá nhỏ. Ở trên nền tảng số, nguồn thu từ độc giả ở Việt Nam có thể coi như không có, hoặc nếu có cũng rất nhỏ.

Trong nguồn thu từ độc giả, còn phải tính đến nhiều khoản thu nhỏ hơn khác ví dụ như tiền quyên góp (donation) hoặc phí thành viên (membership)… nhưng những loại hình này ở Việt Nam còn chưa phát triển...

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam Plus

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam Plus

Liệu chuyển đổi số có thể giúp báo chí đa dạng hóa nguồn thu ra sao, theo ông?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có những tập đoàn thậm chí không còn tồn tại, kinh phí dành cho truyền thông bị cắt giảm gần hết hoặc không còn. Bản thân báo chí trong bối cảnh đó cần phải đa dạng hóa nguồn thu hơn, và việc chuyển đổi số có thể thúc đẩy quá trình này.

Chẳng hạn, trong các dạng quảng cáo số, có dạng quảng cáo lập trình, thông thường được thực hiện qua các đại lý quảng cáo, các đại lý này nhận đề nghị quảng cáo và phân phối quảng cáo bằng nhiều nhiều công cụ khác nhau, trong đó có cả trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, quảng cáo lập trình chiếm thị phần rất lớn, ước tính đến 90% quảng cáo số.

Hoặc như các kênh quảng cáo thông qua hợp tác với các nền tảng như YouTube. Tôi biết có những tờ báo có thể thu mỗi năm nhiều tỷ đồng từ việc chia sẻ quảng cáo của YouTube dành cho các đối tác.

Tuy nhiên, quảng cáo số còn liên quan nhiều đến lượng truy cập, mà nếu nhìn từ tiêu chí này, chỉ những tờ báo có lượng truy cập lớn mới có thể mang về nhiều doanh thu, còn với các tờ báo có lượng truy cập quá thấp, việc này sẽ khó khăn.

Những tờ báo có lượng truy cập khiêm tốn thường hoạt động ở các thị trường ngách. Theo ông, họ có thể tạo thêm doanh thu từ các hoạt động nào?

Một hình thức tạo doanh thu khác là từ sự kiện. Nhiều tờ báo hoạt động ở thị trường ngách đã và đang làm rất mạnh hình thức này. Có thể nhắc đến câu chuyện của tạp chí điện tử về bất động sản, riêng năm ngoái họ làm đến hơn 20 sự kiện liên quan đến bất động sản, trong đó có các toạ đàm, lễ trao giải thưởng, giải golf..., mang về nguồn doanh thu tốt.

Ở nước ngoài, ví dụ Trung Quốc còn có hình thức thu thập thông tin độc giả và bán dữ liệu đó, hợp tác cùng các đơn vị bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Hoặc có những công ty liên kết với báo chí thông qua việc bán hệ thống quản lý nội dung (CMS).

Nhờ khả năng công nghệ, các công ty này cung cấp CMS cho các báo có nhu cầu, và nhờ vậy có thể tham gia kinh doanh quảng cáo. Họ đưa ra nhiều hình thức phù hợp, bao giá quảng cáo luôn hoặc "hàng đổi hàng". Khi họ bán CMS cho cơ quan báo chí, thay vì trả tiền, cơ quan báo chí cung cấp cho họ những vị trí quảng cáo để họ khai thác với giá hợp lý.

Về bản chất, đây cũng có thể coi như một hình thức kinh doanh dữ liệu. Những bên làm CMS cung cấp cho báo chí sẽ nắm được dữ liệu, khi nắm được dữ liệu độc giả thì việc kinh doanh sẽ dễ dàng hơn.

Trong quảng cáo số, thực sự rất cần phải nhắm đến đúng đối tượng và phân phối quảng cáo đến đúng đối tượng sẽ mang đến hiệu quả tốt nhất. Quảng cáo đúng đối tượng thậm chí còn quan trọng hơn vị trí quảng cáo.

Tổng kết lại, dù hiện tại chưa có nghiên cứu đủ sâu về thị trường báo chí Việt Nam, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, đây đang là những mô hình chủ đạo của doanh thu báo chí tại Việt Nam: doanh thu từ độc giả, doanh thu từ quảng cáo, sự kiện, dữ liệu, hợp tác với các nền tảng.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE