Doanh nghiệp thận trọng với áp lực lạm phát

Lạm phát được dự báo sẽ tăng trong năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận kể từ quý 4/2022 và đặt mục tiêu thận trọng hơn trong năm 2023 khi sức mua không mấy khả quan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Doanh nghiệp thận trọng với áp lực lạm phát

Áp lực lạm phát gia tăng, vẫn trong tầm kiểm soát

Đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, kinh tế thế giới đã có sự phục hồi ngoạn mục. Tuy nhiên, sự phục hồi tăng trưởng quá nhanh đã đẩy các nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào thời kỳ lạm phát cao nhất trong 40 năm qua, giá hàng hóa và dịch vụ liên tục leo thang khiến chi tiêu của người dân ngày càng bị thắt chặt.

Để kiềm chế lạm phát, trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 7 lần tăng lãi suất liên tiếp với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1980, đưa lãi suất liên bang từ mức gần 0% hồi tháng 3/2022 lên mức 4,25 - 4,5%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Điều này khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái nhẹ.

Đối với Việt Nam, mặc dù là một nền kinh tế có độ mở, tuy nhiên việc Fed tăng lãi suất tác động đến lạm phát của nước ta không lớn. Điều này thể hiện ở việc năm 2022 CPI bình quân của Việt Nam tăng 3,15% (cao hơn so với mức tăng 1,84% của năm 2021) song vẫn thấp hơn mức mục tiêu khoảng 4%. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp với mức tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bước sang năm 2023, hai tháng đầu năm, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng 1 (tăng 4,89%). Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do giá thực phẩm, đồ uống, xăng dầu tăng).

Nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái cục bộ, lạm phát và tỷ giá còn diễn biến khó lường, nhằm ứng phó với các tác nhân trong và ngoài nước lên lạm phát, Chính phủ cũng đã phần nào nới lạm phát định hướng cho 2023 từ mức trần là 4% trong các năm liền trước lên mức 4,5%.

Nhận định của giới phân tích cũng cho rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam sẽ gia tăng trong năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, năm 2023, nhiều khả năng Chính phủ có thể xem xét tăng giá các dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục. Cụ thể, giá bán lẻ điện sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng vào năm 2023 do chi phí sản xuất tăng (giá quy đổi tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng như than, gas…).

Bên cạnh đó, sau thời gian tạm dừng tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ có thể xem xét tăng giá các dịch vụ này vào năm 2023. Đồng thời, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và logistics, từ đó gia tăng áp lực tăng giá đầu ra.

Về phía cầu, nhu cầu trong nước có thể sẽ giảm trong 6 tháng đầu năm nhưng được bù đắp một phần bởi du lịch quốc tế. Mới đây nhất, Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thí điểm cho phép du lịch theo đoàn. Doanh số bán lẻ hàng hoá dịch vụ tiêu dùng được VNDirect dự báo sẽ tăng 8,5-9% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc tăng lương cơ sở dự kiến có hiệu lực vào 1/7/2023 lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 20,8%, điều này khiến lạm phát có xu hướng tăng do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hoá, bán lẻ.

Do đó, VnDirect dự báo lạm phát tiêu đề trung bình của Việt Nam sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2023, vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5% của Chính phủ. Các yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát là giá cả hàng hoá thế giới dự báo hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ và cung tiền thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát.

Thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam còn cho thấy, nhiều tổ chức tài chính thế giới dự báo tích cực về lạm phát năm 2023, hầu hết dự báo cho thấy lạm phát dưới mục tiêu của Chính phủ đề ra, duy nhất Standard Chartered đưa ra dự báo lạm phát sát ngưỡng 5,5% kéo theo trung bình dự phóng ở mức 4%, vẫn thấp hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ.

Bất động sản và trái phiếu chưa được khắc phục, người dân vẫn nghi ngại

Hiện nay, thị trường hàng hóa đang bước sang giai đoạn kém sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước Tết, đồng thời, do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu trước lo lắng về lạm phát, thu nhập không ổn định, đặc biệt, làn sóng cắt giảm nhân sự đã và sẽ diễn ra ở một số lĩnh vực như xuất khẩu, kinh doanh bất động sản…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 481.832 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước (tháng Tết Nguyên đán), trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều giảm: Bán lẻ hàng hóa giảm 6,7%, dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch giảm 20,3%, dịch vụ khác giảm 2,6%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 tăng 13% so với cùng kỳ 2022, trong đó tăng cao nhất là nhóm du lịch tăng 94,7%, tiếp đến là nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 27,3%, dịch vụ khác tăng 18,7%, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%.

Đưa ra nhận định về xu hướng này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng doanh thu từ du lịch sẽ là điểm sáng duy nhất đối với Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong năm nay do được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, trong khi doanh thu tiêu dùng sẽ gặp thách thức khi áp lực lạm phát lớn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022 - có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, con số này trong cả 2023 cũng khó có thể tăng mạnh mẽ trong bối cảnh có nhiều lo lắng về thị trường bất động sản và trái phiếu chưa được khắc phục.

“Sức mua phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào triển vọng của kinh tế sắp tới. Nếu người ta cho rằng ảm đảm thì sẽ giảm chi tiêu. Trong khi đó, thị trường bất động sản và trái phiếu chưa được khắc phục dẫn đến suy giảm tăng trưởng, do đó người dân vẫn có những nghi ngại”, ông Tú Anh nói.

Cùng đưa ra nhận định, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ cho rằng, hiện nay sức mua của người dân bắt đầu hồi phục song vẫn còn yếu. Lạm phát tăng, thu nhập giảm khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi. Vì vậy, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng lên song phần lớn trong số đó là yếu tố tăng giá do lạm phát.

Theo ông Phú, bên cạnh thách thức như lạm phát thì thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có cơ hội với thị trường nội địa gần 100 triệu dân rất tiềm năng, trong đó tiêu dùng của chúng ta chiếm 70% GDP. Các doanh nghiệp nước ngoài không ngừng mở rộng đầu tư. Các chính sách về thương mại sẽ cởi mở về vốn, cơ sở hạ tầng. Thêm nữa thương mại điện tử sẽ phát triển, cho nên hiệu quả của việc tiêu thụ hàng hóa cao hơn từ đó thị trường bán lẻ có triển vọng.

Doanh nghiệp dè dặt với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận

Theo thống kê của chúng tôi, doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như bán lẻ điện thoại, điện máy, máy tính đại diện là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW) ghi nhận doanh thu sụt giảm trong quý 4/2022. Lợi nhuận sau thuế của hầu hết các doanh nghiệp như Thế Giới Di Động, Digiworld, FPT Retail (mã FRT), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) cũng đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Theo lý giải của FRT, trong kỳ doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều bất lợi do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn...

Ở mảng ô tô, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán hàng sụt giảm trong nhiều tháng kể từ tháng 10/2022, thậm chí thời điểm Tết Nguyên đán, toàn thị trường tiêu thụ hơn 21.000 xe, giảm 57%.

Mới đây, công ty phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam - CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) lên kế hoạch lãi sau thuế khoảng 438 tỷ đồng năm 2023, giảm 148 tỷ đồng so với năm ngoái.

Theo Savico, lãi suất cho vay tăng cao và thiếu nguồn tín dụng từ quý cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng dừng hoặc chậm mua sắm. Ngoài ra, thị trường tài chính chứng khoán và bất động sản khó khăn dẫn đến động lực cho việc mua sắm ôtô không còn thuận lợi như trước.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Chat với BizLIVE