Doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm người
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thị trường lao động ở Hà Nội phục hồi nhanh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xây dựng, logistic… Một loạt phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại huyện Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm… đã thu hút đông doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với nhiều chỉ tiêu ở các vị trí việc làm khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Đông (Thanh Oai, Hà Nội) đến với phiên giao dịch việc làm Hà Nội chia sẻ: "Tôi có gần 10 năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và mới về nước từ cuối năm 2021. Với kinh nghiệm và kỹ năng nghề học từ Hàn Quốc, tôi mong muốn mức lương 15 triệu đồng, làm gần gia đình, chế độ phúc lợi ổn định và đang ứng tuyển tại một số đơn vị tuyển dụng".
Bên cạnh tuyển dụng qua các kênh truyền thống như qua người quen, trang web của công ty, gần đây các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia tuyển dụng trên sàn giao dịch việc làm. Ban đầu, khi quận Long Biên xây dựng kế hoạch tổ chức phiên GDVL lưu động tại quận chỉ khoảng 40 doanh nghiệp nhưng sau có gần 90 doanh nghiệp đăng ký với gần 9.000 chỉ tiêu (gấp hơn 2 lần so với năm 2020), trong đó Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tuyển hơn 800 lao động.
Tham gia phiên GDVL tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội mới đây, bà Đào Lan Phương, chuyên viên tuyển dụng nhân sự Công ty TNHH Intop Việt Nam (sản xuất linh kiện điện tử), có vốn đầu tư Hàn Quốc - cho biết: Đối với những người có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật, mức lương dao động từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Chín, Phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Iamging (Việt Nam) chuyên sản xuất phụ kiện, ống kính máy ảnh cho biết, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động phổ thông, độ tuổi từ 18-35 cùng nhiều vị trí khác như nhân viên kỹ thuật sơn, nhân viên kỹ thuật sửa chữa… Dù đã tuyển dụng qua nhiều kênh, thậm chí trả phí cho một số kênh tuyển dụng chuyên nghiệp song vẫn rất khó để tìm được ứng viên phù hợp.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các đơn vị như Tổng Công ty May 10, Công ty May Đức Giang, Tập đoàn Hoa Sen, hệ thống các siêu thị… cũng đang cần tuyển nhiều lao động vào làm việc ở các ngành nghề, mức lương từ 5 - 30 triệu đồng/tháng cùng những chế độ hấp dẫn đi kèm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không dễ khi thị trường lao động phục hồi, các doanh nghiệp đều đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong khi nguồn cung lao động khan hiếm. Tại các địa phương khác, nhu cầu tuyển dụng cũng gia tăng.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, địa phương hiện có 37.000 doanh nghiệp đang cần tuyển dụng hơn 83.000 công nhân. Dự báo từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh cần 135.000 - 150.000 công nhân và nhiều khả năng tiếp tục thiếu lao động, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm. Còn theo Sở LĐTBXH Bình Dương, các doanh nghiệp của tỉnh hiện cần tuyển dụng thêm khoảng 70.000 lao động. Nhiều địa phương phía Nam đang ráo riết thực hiện chính sách thu hút và giữ chân lao động ở lại làm việc.
Gia tăng chế độ phúc lợi
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết (Tổng cục Thống kê) cho biết: Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, số lao động có việc làm tăng mạnh; Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các vùng; đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là hai vùng có sự phục hồi đáng kể nhất; Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực dịch vụ; Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2022 tiếp tục ghi nhận mức tăng so với quý trước…
Doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội.
Bà Gulmira Asanbaeva, cán bộ quản lý chương trình Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) khẳng định: Từ tháng 3 trở lại đây, thị trường lao động Việt Nam hồi phục nhanh, gắn liền với sự mở cửa nhanh của nền kinh tế. Ngày càng có nhiều lao động quay lại thị trường và thu nhập của người lao động đang được gia tăng. Điều này cũng hoàn toàn tương thích với nhu cầu và dự báo về thị trường lao động khác trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, sự khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội là động lực chính để thị trường lao động phục hồi nhanh. Trong giai đoạn tới, nhu cầu tuyển dụng tăng 10-15% tùy từng ngành nghề. Để ổn định cuộc sống người lao động thì việc Chính phủ đang chú trọng kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Cùng với tuyển dụng, các địa phương cũng quan tâm hơn đến các chế độ phúc lợi xã hội. Đơn cử như tỉnh Đồng Nai đang kết hợp với một số tỉnh miền Tây Nam bộ đăng các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, công khai các chế độ, chính sách phúc lợi. Tỉnh Đồng Nai đang tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để bán hoặc cho công nhân thuê ổn định cuộc sống và an tâm ở lại làm việc.
Đại diện Sở LĐTBXH Bình Dương cho biết, tỉnh đã lập đoàn cán bộ làm việc với các tỉnh, thànhvề chính sách chăm lo cho người lao động xa quê, như về tận quê đưa đón, hỗ trợ nơi ở… Nhiều doanh nghiệp đã bố trí đất để xây nhà ở và trường mầm non phục vụ công nhân.