Báo cáo về thị trường BĐS năm 2023 trong khuôn khổ Hội nghị Bất động sản Việt Nam, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023 đối mặt nhiều thách thức. Nhu cầu mua bán BĐS sụt giảm mạnh ở tất cả các loại hình. Cụ thể, nhu cầu mua đất nền giảm 20%, đất nền dự án giảm 28%, chung cư giảm 16%, biệt thự, nhà riêng giảm 6-9%.
Không chỉ BĐS bán, cả với loại hình cho thuê bất động sản cũng sụt giảm mạnh. Nhu cầu thuê chung cư giảm 24%, thuê nhà riêng giảm 30%, thuê nhà trọ giảm 30%, thuê cửa hàng, kiot giảm 31%. Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp BĐS giảm mạnh, tình trạng giải thể, ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự vẫn diễn ra phổ biến trong năm 2023.
Tương tự, nhu cầu tìm mua nhà đất cũng giảm ở tất cả các địa phương trên cả nước, ngay cả những đô thị đang phát triển “nóng” những năm qua như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…, lượng tin đăng và mức độ quan tâm nhà đất đều có xu hướng đi xuống trong năm 2023.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023 đã xuất hiện các động thái tích cực và tương đồng với thời điểm đảo chiều của chu kỳ trước.
Cụ thể, trong chu kỳ từ năm 2008 – 2012, tồn kho bất động sản tăng liên tiếp, cho tới năm 2013, tín hiệu đảo chiều thị trường xuất hiện khi tín dụng được nới lỏng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ và Luật Đất đai sửa đổi được thông qua để hỗ trợ cho thị trường địa ốc.
Ở thời điểm hiện tại, về mặt lãi suất, từ đầu 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và 4 lần hạ lãi suất điều hành. Nhiều ngân hàng đã giảm mạnh 3% - 5% lãi suất huy động so với đầu năm. Về mặt tăng trưởng tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng 2023 là 14% đến 15% so với 14% của 2022. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở được đã thông qua tháng 11/2023 và có hiệu lực từ đầu 2025. Thị trường bất động sản cũng hưởng lợi từ các động thái của Chính phủ như quyết định thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, gói hỗ trợ 2% lãi suất (tương đương 40 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Nhiều chính sách tích cực được ban hành: Nghị định 08 và Dự thảo Thông tư 16 (sửa đổi) gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết 33 thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững; Nghị định 10 về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tháo gỡ cho bất động sản nghỉ dưỡng; Thông tư 02 và Thông tư 06 đưa ra hướng giải quyết nợ,…
Vì vậy, ông Quốc Anh đưa ra dự báo điểm đảo chiều của thị trường bất động sản có thể xuất hiện từ quý 2 – quý 4/2024, sau đó sẽ bước vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định.
Cụ thể, giai đoạn thăm dò dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2024 với thanh khoản nhỏ lẻ đến từ sản phẩm chung cư đáp ứng nhu cầu ở thực. Tiếp theo sẽ là giai đoạn củng cố, dự kiến rơi vào quý 4/2024 – quý 1/2025, trong điều kiện các công cụ, chính sách tiền tệ được đẩy mạnh ở diện rộng, giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn tiền.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ góp phần khơi thông nguồn tiền, tháo gỡ pháp lý để định hướng và tạo động lực cho một thị trường phát triển bền vững.
Ông Quốc Anh dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ khởi sắc từ quý 2 – quý 4/2025. Ông kỳ vọng giai đoạn này ghi nhận sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng. Tiềm lực tài chính của chủ đầu tư và môi trường tiền tệ cải thiện dẫn đến sự phục hồi về nguồn cung và thanh khoản trên diện rộng, giá bất động sản trong giai đoạn này cũng sẽ cải thiện đồng thời với nguồn cung và thanh khoản.
“Từ sau quý 1/2026, ngành bất động sản có thể sẽ dần tiến vào giai đoạn ổn định. Thị trường tiếp tục đà tăng trưởng tốt về thanh khoản và giá, đồng thời có sự xuất hiện của nhiều loại hình bất động sản”, ông Quốc Anh nhận định