POW trong top 30% cổ phiếu tích cực nhất HOSE
Thị trường chứng khoán đã hồi phục khá tích cực trong quãng thời gian gần đây nhưng không phải toàn bộ các cổ phiếu đã lấy lại xu hướng dài hạn. Theo thống kê, trên HOSE đã có hơn 50% mã có xu hướng tăng ngắn hạn tuy nhiên, tỷ lệ các mã có xu hướng dài hạn là thấp hơn đáng kể với chỉ khoảng hơn 30%.
Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power là một trong những mã nằm trong nhóm 30% của HOSE. Tính đến thời điểm hiện tại, POW đã tăng được khoảng 25% và tạm chững lại để tích lũy.
Sau giai đoạn tháng 3 tăng hơn 9%, kể từ đầu tháng 4, thành tích của POW gần như không đáng kể khi chỉ tăng được 1%. Xét về xu hướng kỹ thuật, mọi nền tảng giá của POW vẫn đang được giữ nguyên. Cổ phiếu đang tạo được nền giá khá vững chãi với thanh khoản đang co lại dần.
Nhóm nhà đầu tư nắm giữ đã có khoảng thời gian thử thách hơn 1 tháng kể từ giữa tháng 3 và chứng mình được sự "lì lợm". Tuy nhiên, việc thử sức với mốc 14.000 đồng/cổ phiếu không thành công ở tuần trước cũng cho thấy, cổ phiếu chưa thực sự để khởi động lại một nhịp tăng.
Quá trình tích lũy có thể sẽ còn tiếp diễn và nhà đầu tư có thể mở các vị thế thăm dò với POW để đón trước các chuyển động tích cực.
Sẽ hưởng lợi từ nhiệt điện, kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng 13%
Doanh thu thuần POW năm 2022 tăng 15% so với cùng kỳ đạt 28.235 tỷ VND nhờ giá bán bình quân tăng 19% bù đắp sản lượng điện sản xuất giảm 3,4% so với cùng kỳ đạt 14.197 triệu kWh.
Sản lượng huy động của POW năm 2022 kém khả quan so với toàn ngành điện do sản lượng huy động tăng thêm từ các nhà máy thuỷ điện và nhiệt điện khí khác không đủ bù đắp sự sụt giảm sản lượng tại nhà máy Vũng Áng (- 40%) và nhà máy Cà Mau 1&2 (-17%).
Năm 2023, POW đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là: 30.332 tỷ VND (+25%) và 1.118 tỷ VND (-52%) với giá bán bình quân đạt 1.946 VND/kWh (-2%) và sản lượng điện thương phẩm đạt 15.590 triệu kWh (+10%).
CTCK BIDV (BSC) cho rằng kế hoạch kinh doanh của POW năm 2023 tương đối thận trọng, và POW thường vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Với khả năng cao xảy ra Elnino, các doanh nghiệp nhiệt điện tăng sản lượng huy động. POW sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này nhờ sở hữu danh mục các nhà máy nhiệt điện lớn (1.200 MW nhiệt điện than và 2.700 MW nhiệt điện khí).
Năm 2023 tăng trưởng sản lượng nhiệt điện khí của POW sẽ đến từ nhà máy Cà Mau 1&2 (+38%) và nhà máy NT1 (+12%) bù đắp cho nhà máy NT2 giảm -5,5% sản lượng.
Bên cạnh hiệu ứng từ Elnino, BSC cho rằng sản lượng nhà máy Cà Mau 1&2 sẽ phục hồi từ mức nền thấp trong năm 2022. Nhà máy Cà Mau 1&2 bắt đầu tham gia thị trường điện cạnh tranh từ đầu năm 2022 vì vậy sản lượng hợp đồng được giao năm 2022 đạt mức thấp kỷ lục. Từ quý 4/2022 sản lượng hợp đồng nhà máy Cà Mau 1&2 đã phục hồi về gần so với năm 2021.
Nhiệt điện than: điểm sáng của POW trong năm 2023
Trong khi đó, theo thông tin từ POW, tổ máy số 1 của nhà máy Vũng Áng 1 kỳ vọng sẽ vận hành ổn định từ cuối tháng 3/2023.
BSC dự phóng sản lượng của Vũng Áng 1 đạt khoảng 4.310 triệu kWh (+30%). Cùng với đó, BSC cũng kỳ vọng nhà máy sẽ được nhận khoảng 300 tỷ tiền bồi thường bảo hiểm trong năm tới.
Nhà máy Vũng Áng gặp sự cố từ cuối năm 2021 khiến sản lượng điện cả năm 2022 đạt mức thấp -40%. Quá trình sửa chữa hoàn tất cùng với giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ giúp nhà máy Vũng Áng phục hồi sản lượng trong 2023.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của POW trong năm 2032 lần lượt đạt 31,299 tỷ VND (+11%) và 2.779 tỷ VND (+13%) tương đương EPS dự phóng là 958 đồng/cổ phiếu.