
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ trong quý I/2025 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực phản ánh sự phục hồi của ngành sau giai đoạn khó khăn.
Tại nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như: Tạp đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), May Sông Hồng (MSH), Dệt may Thành Công (TCM) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG) đều ghi nhận báo cáo lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2025.
Cụ thể, Vinatex (VGT) ghi nhận lợi nhuận ròng 172 tỷ đồng, tăng 372% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng nhẹ 8% lên gần 4.300 tỷ đồng, với biên lãi gộp cải thiện từ 8,7% lên 12,1%. Khối ngành sợi chuyển từ lỗ sang lãi nhờ tối ưu vận hành và tiết giảm chi phí .
May Sông Hồng đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 34%, và lợi nhuận ròng 86 tỷ đồng, tăng 50%. Biên lãi gộp tăng lên 16,4%. Công ty cho biết đã có đơn hàng đến hết năm và kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc.
Dệt may Thành Công báo lãi ròng 78 tỷ đồng, tăng 26%, với doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm nhẹ xuống còn 16,2%. Công ty đã chốt được khoảng 85% kế hoạch doanh thu quý 2 và đang tích cực nhận đơn quý 3.
Còn tại Dệt may TNG ghi nhận lợi nhuận 43,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%, dù doanh thu tăng 31% lên hơn 1.500 tỷ đồng. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm khoảng 26%.
Tuy nhiên, dù có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2025, các doanh nghiệp dệt may vẫn lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đến đơn hàng và lợi nhuận trong các quý tiếp theo.
Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I/2025 vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, thị trường biến động và thuế suất cao không phải là điều mới với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, các doangh nghiệp nên tận dụng khoảng thời gian 90 ngày tạm hoãn áp thuế để chủ động chuyển mình và thích ứng với tình hình mới.
Trước nguy tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông Song Jae Ho - Tổng giám đốc Dệt may Thành Công cho hay, với tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ khoảng 30%, TCM đang tích cực khai thác các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu để giảm phụ thuộc vào thị trường này.
Bên cạnh đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 ngày 26/4 của May Việt Tiến, trước việc đối mặt với những rủi ro từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang khẳng định, Việt Tiến sẽ kiên định với các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Công ty tiếp tục thúc đẩy năng lực ứng biến linh hoạt, đồng thời triển khai các kế hoạch trọng điểm, mở rộng ứng dụng công nghệ, ra mắt dòng sản phẩm mới, đồng thời tái cấu trúc hoạt động bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội.