Liên minh châu Âu (EU) vào ngày thứ Sáu đã đồng ý áp trần giá dầu Nga ở mức khoảng 60USD/thùng sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng để có thể đi đến thống nhất về một mức giá phù hợp.
Thông báo trên được đưa ra sau khi chính phủ nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G-7 vào tháng 9/2022 đã đồng thuận áp hạn chế với dầu thô của Nga để hạn chế nguồn tiền mà Nga có thể thu được từ loại hàng hóa này. Tuy nhiên, chi tiết về việc biện pháp áp trần giá dầu này sẽ có tác động như thế nào đã luôn là đề tài gây tranh cãi từ đó.
Trong bối cảnh căng thẳng với Ukraine leo thang, Nga đã cảnh báo rằng việc áp trần giá dầu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Việc áp hạn chế giá dầu sẽ được rà soát lại tùy từng thời điểm nhằm xem xét đến ảnh hưởng đến thị trường, tuy nhiên giá dầu sẽ được tính toán ít nhất thấp hơn 5% so với mức giá chung của thị trường, theo tài liệu của EU cho hay.
Trước đây, quan điểm của Ba Lan rất cứng rắn nên đã khiến cho các bên không thể thống nhất được. Thỏa thuận chính thức sẽ có được vào ngày Chủ Nhật. Các chuyên gia phân tích trên thị trường năng lượng cảnh báo rằng G-7 sẽ cần đến sự hỗ trợ từ nhiều bên mua khác quy định về trần giá dầu này chính thức có hiệu lực. Trung Quốc và Ấn Độ cho đến nay đã tăng cường mua dầu của Nga sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang nhằm hưởng lợi từ việc giá dầu thấp mà Moscow bán ra thị trường.
Cao ủy châu Âu về vấn đề năng lượng, ông Kadri Simson, nói với CNBC vào tháng 9/2022 rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần phải ủng hộ G-7 trong vấn đề này. Tuy nhiên cho đến giờ dường như hai nước này không quan tâm. Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ, ông Shri Hardeep S Puri, nói với CNBC vào tháng 9/2022: “Chúng tôi có trách nhiệm đạo đức phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga hoặc bất kỳ nguồn nào khác”.
Giá dầu giao hợp đồng tương lai giảm 1,5% trong phiên giao dịch có nhiều trồi sụt trong phiên ngày thứ Sáu trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh hay còn gọi là OPEC+ và quy định cấm của Liên minh châu Âu (EU) với dầu Nga chính thức có hiệu lực.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 1,31USD/thùng tương đương 1,5% xuống 85,57USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai giảm 1,24USD/thùng tương đương 1,5% xuống 79,98USD/thùng.
Cả hai loại giá dầu giao dịch tăng giảm nhiều lần tuy nhiên tính ở thời điểm chốt phiên vẫn có được tuần tăng đầu tiên, mức tăng lần lượt đạt 2,5% và 5% sau 3 phiên giảm liên tiếp.
“Nhà đầu tư giữ tâm lý ngần ngại bởi hiện đang xuất hiện nhiều đồn đoán rằng nhóm OPEC+ có thể sẽ gây sốc thị trường trong cuộc họp vào cuối tuần này”, chuyên gia phân tích tại quỹ Price Futures – ông Phil Flynn nói.
OPEC+ nhiều khả năng sẽ vẫn giữ mục tiêu giảm sản lượng dầu ước tính khoảng 2 triệu thùng/ngày trong cuộc họp vào ngày Chủ Nhật, tuy nhiên các chuyen gia phân tích tin rằng giá dầu thô sẽ có thể giảm nếu nhóm không cắt giảm sâu hơn nữa.
Chuyên gia phân tích tại quỹ Oanda, ông Craig Erlam, nhận xét: “Dầu thô hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro suy giảm và sẽ có thể có nhiều biến động trong tuần tới”.
Sản lượng dầu thô của Nga sẽ có thể giảm khoảng chừng 500.000 cho đến 1 triệu thùng vào đầu năm 2023 do quy định cấm của châu Âu với dầu Nga hiệu lực từ ngày thứ Hai tuần tới, theo 2 nguồn tin từ các nhà sản xuất của Nga.