Công ty Singapore trở thành cổ đông lớn của CTCP Sữa Quốc tế
Theo thông tin trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 12/4, Daytona Investments Pte. Ltd (Singapore) đã mua 5,3 triệu cổ phiếu IDP của CTCP Sữa Quốc tế (mã IDP), tương ứng sở hữu 8,99% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn của công ty.
Trong phiên 12/4, đã có hơn 6,5 triệu cổ phiếu IDP được giao dịch thỏa thuận với giá hơn 1.685 tỷ đồng, tương đương giá giao dịch trung bình là 257.600 đồng/cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại đã mua vào 5,3 triệu cổ phiếu IDP, đúng bằng với số cổ phiếu Daytona Investments Pte. Ltd mua vào với tổng trị giá hơn 1.370 tỷ đồng, tương đương với mức giá 258.500 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 12/4, giá cổ phiếu IDP ở mức 231.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 11,5% so với giá Daytona Investments mua vào.
Daytona nhiều khả năng là đơn vị đầu tư thuộc công ty quản lý quỹ Growtheum Capital Partners. Theo Bloomberg, Growtheum đã đồng ý mua 15% cổ phần của IDP với giá khoảng 100 triệu USD.
Trước khi Daytona Investment trở thành cổ đông lớn, cơ cấu sở hữu của IDP gồm 3 cổ đông lớn: CTCP Blue Point sở hữu gần 32 triệu cổ phần, tương đương 54% vốn; Chứng khoán Bản Việt sở hữu hơn 8,8 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn và bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng giám đốc IDP sở hữu hơn 2,9 triệu cổ phần, tương đương 5% vốn.
Hóa chất Đức Giang chi 635 tỷ đồng mua Phốt pho 6
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) thông báo, Hội đồng quản trị đã ra nghị quyết thông qua chủ trương mua 100% cổ phần của CTCP Phốt pho 6. Công ty này có vốn điều lệ 363 tỷ đồng, địa chỉ tại Lô B24, B24A, Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai), đang sở hữu 1 lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm.
Theo thông báo, Đức Giang sẽ chi 635 tỷ đồng mua Phốt pho 6, tương đương gần 17.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến thực hiện thương vụ là trong quý 2/2023.
Mục đích mua nhằm tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm H3PO4, Sodium tripoly phosphate – STPP (Na5P3O10), Sodium Hexametha photphate – SHMP (NaPO3)6, ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho và tăng doanh thu cũng như lợi nhuận cho Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.
Hiện tại, nhà máy phốt pho vàng lớn nhất của Đức Giang là nhà máy công suất 40.000 tấn/năm thuộc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai – đơn vị đứng ra mua lại Phốt pho 6.
Công ty con do Đức Giang nắm 51% là CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (mã chứng khoán PAT) cũng sở hữu 2 dây chuyền sản xuất phốt pho vàng với công suất thiết kế mỗi dây chuyền là 10.000 tấn/năm, tổng cộng 20.000 tấn/năm.
Năm 2022, Đức Giang sản xuất 54.145 tấn phốt pho vàng. Như vậy, CTCP Phốt pho 6 có thể giúp nâng thêm 18% tổng sản lượng sản xuất của Đức Giang.
Gần đây, Đức Giang cũng vừa mua 51% cổ phần của Ắc quy Tia Sáng (TSB) với tham vọng bước chân vào sản xuất pin lithium cho xe điện.
Vợ Chủ tịch Novaland hoàn tất bán hơn 3,6 triệu cổ phiếu NVL
Bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) đã hoàn tất bán gần 3,62 triệu cổ phiếu NVL trong thời gian 9/3 – 7/4, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, lượng cổ phiếu NVL mà bà Cao Thị Ngọc Sương nắm giữ giảm từ 54,36 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,79% xuống còn 50,75 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,6%. Tạm tính theo giá kết phiên 7/4 là 13.400 đồng/cổ phiếu, bà Ngọc Sương đã thu về khoảng 48 tỷ đồng sau giao dịch bán cổ phiếu.
Cùng khoảng thời gian, CTCP NovaGroup đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 1,71 triệu cổ phiếu NVL trong các phiên giao dịch 3/4, 4/4, 5/4 và ngày 7/4, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn. Sau bán giải chấp, lượng cổ phiếu NVL mà NovaGroup nắm giữ giảm từ 572,45 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 29,355% xuống còn 570,73 triệu đơn vị, tỷ lệ 29,267%.
Trước đó, trong hai phiên 27/3 và 29/3, NovaGroup cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 480.706 cổ phiếu NVL theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch này, lượng cổ phiếu NovaGroup nắm giữ giảm từ 572,93 triệu đơn vị (tỷ lệ 29,379%) xuống còn 572,45 triệu đơn vị (29,355%).
VOF Investment Limited chốt lời cổ phiếu KDH
Quỹ VOF Investment Limited thông báo từ ngày 6/4 đến 10/4 đã thoái ra toàn bộ 4.351.900 cổ phiếu KDH để giảm sở hữu từ 0,61% về còn 0% vốn điều lệ.
Trước đó, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 10/1/2023, quỹ VOF Investment Limited đã bán ra 4,11 triệu cổ phiếu trong tổng đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1,41% về còn 0,83% vốn điều lệ; từ ngày 17/1 đến 15/2, quỹ này tiếp tục bán thêm gần 1,54 triệu cổ phiếu KDH để giảm sở hữu từ 0,83% về còn 0,61% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, từ ngày 31/10 đến ngày 8/11/2022, quỹ VOF Investment Limited đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH. Như vậy, tạm tính theo giá thị trường ngày 8/11/2022 là 20.300 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ VOF Investment Limited đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH.
Được biết, từ tháng 12/2022 đến nay, cổ phiếu KDH giao dịch từ vùng 25.000 đến 29.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nhiều khả năng, quỹ VOF Investment Limited đã chốt lời toàn bộ 10 triệu cổ phiếu mua trong tháng 11/2022.
Sau khi chạm đáy vào giữa tháng 11/2022 với giá 19.400 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu KDH đã có sự hồi phục tích cực gần 54% lên vùng 29.850 đồng/cổ phiếu (phiên 14/4).
Lãnh đạo Ô tô Hàng Xanh gom cổ phiếu HAX
Ông Trần Văn Mỹ, Phó Tổng giám đốc CTCP Ô tô Hàng Xanh (mã HAX) đăng ký mua 650.000 cổ phiếu HAX từ ngày 14/4 đến ngày 12/5/2023. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc/và thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, ông Mỹ sẽ nâng sở hữu tại Ô tô Hàng Xanh từ 561.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,78% lên hơn 1,21 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,68%.
Cùng chiều mua vào, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty cũng đăng ký mua vào 400.000 cổ phiếu HAX từ ngày 12/4 đến ngày 10/5. Qua đó, nâng sở hữu tại HAX lên 664.500 cổ phiếu, tỷ lệ 0,92%.
Ở chiều ngược lại, một cổ đông lớn của Ô tô Hàng Xanh là bà Vũ Ngọc Diệp Linh đã bán thành công 7,46 triệu cổ phiếu HAX và giảm sở hữu tại HAX từ 10,815 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15,03% xuống còn 3,355 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,66% và không còn là cổ đông lớn của Ô tô Hàng Xanh từ ngày 5/4.