Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT mới đưa ra nhận định về thị trường tuần tới.
Theo ông Hinh, tuần giao dịch tới sẽ có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra như công bố số liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ vào thứ ba (13/12), phiên họp quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào thứ 4-thứ 5 (14-15/12) và phiên đáo hạn phái sinh vào thứ 5 (15/12).
Trước những sự kiện quan trọng đó, chuyên gia VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trong tuần giao dịch tới. FED nhiều khả năng sẽ hành động như kịch bản kỳ vọng của thị trường là tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tới, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là những bình luận trong cuộc họp báo sau đó của chủ tịch FED về triển vọng lạm phát, thị trường lao động cũng như hé lộ những bước đi tiếp theo về chính sách tiền tệ.
“Khi vẫn còn những điều không chắc chắn ở phía trước, chúng tôi cho rằng thị trường khó có thể bứt phá trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng tích lũy trong vùng 1.030-1.070 điểm. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tích lũy này của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuyển hướng sang những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng (nới room tín dụng, NHNN có động thái hỗ trợ thanh khoản), chứng khoán (điểm số và thanh khoản TTCK phục hồi), bảo hiểm (hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng, vật liệu xây dựng và hạ tầng giao thông (tăng tốc giải ngân đầu tư công), điện (dòng tiền và cổ tức ổn định).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu ở mức vừa phải ở mức tối đa 80/20 và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin để hạn chế rủi ro phòng trường hợp thị trường bất ngờ đảo chiều khi có những rủi ro không dự tính trước xuất hiện”, chuyên gia VNDIRECT cho biết.
Trong tuần giao dịch trước đó, chỉ số VN-Index có sự cải thiện hơn so với đầu tuần lên mức 1.051,8 điểm (-2,6% so với cuối tuần tuần trước).
Những thông tin vĩ mô tích cực tuần qua đã công bố như Trung Quốc chính thức cho người dân với triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà, NHNN chính thức nới room tín dụng cho các NHTM và cũng đồng thời bơm tiền qua kênh thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Mặc dù vậy, tâm lí nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi những thông tin vĩ mô trong tuần tới liên quan đến lạm phát của Mỹ cũng như hành động tiếp theo của FED về chính sách tiền tệ.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn giảm 2,8% so với tuần trước về 19.856 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HOSE với giá trị đạt 4.192 tỷ đồng (-54,3% so với tuần trước).
Tuần qua, dòng tiền đã phân hóa ở 2 nhóm ngành trụ của thị trường là Ngân Hàng và Bất Động Sản. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những ngành tỏa sáng như là Chứng khoán và Hàng Không.
Cụ thể, nhiều ngân hàng lớn đã chứng kiến sự điều chỉnh về giá như BID (-4,9%), MBB (-3,2%), TCB (-1,9%) và VPB (-2,3%) trong khi một số ngân hàng khác lại có hiệu suất đầu tư tích cực như HDB (+1,8%), STB (+7,4%) và LPB (+12,8%). Ngành Bất động sản cũng diễn biến tương tự khi NLG (+2,9%) và KDH (+3,3%) tăng điểm trong khi VHM (-5,4%), DXG (-1,7%) và BCG (-1,9%) điều chỉnh. Trong bối cảnh điểm số và thanh khoản thị trường chứng khoán phục hồi mạnh trong những tuần gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng sẽ cải thiện kết quả kinh doanh và qua đó thu hút dòng tiền thị trường đổ mạnh vào như VND (+11,5%), SSI (+4,1%) và VCI (+5,8%).
Ngoài ra, với thông tin nối lại chuyến bay thường lệ Việt Nam Trung Quốc, cổ phiếu ngành Hàng không đã có diễn biến tích cực trong tuần qua, qua đó cổ phiếu VJC (+4,7%) và HVN (+10,3%) đồng loạt tăng điểm mạnh và trở thành những mã có đóng góp nhiều nhất cho chỉ số VN-Index.