Phiên giao dịch ngày 29/11, VN-Index đang cho tín hiệu tích cực hơn khi dòng tiền có xu hướng nhập cuộc, kết phiên, VN-Index tăng 8 điểm với thanh khoản gần 13.500 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu FPT lại một lần nữa vượt đỉnh lịch sử, tăng lên 144.300 đồng/cổ phiếu, tăng 3,5% so với phiên hôm qua. Từ đầu năm đến nay, FPT đã tăng hơn 70%, vượt trội hoàn toàn khi so sánh với chỉ số chung VN-Index.
Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của FPT lên hơn 210.000 tỷ đồng, hơn 8 tỷ USD và là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 4 trên thị trường chứng khoán, sau Vietcombank, BIDV, ACV và VGI.
Cổ phiếu FPT bứt phá có động lực lớn đến từ sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại sau khi hở room trên 3%. Chỉ trong 6 phiên từ ngày 22/11 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng cổ phiếu công nghệ này với tổng khối lượng khoảng 9 triệu đơn vị, giá trị mua ròng vào khoảng nghìn tỷ.
Về kết quả kinh doanh, 10 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 50.796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.226 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 6.566 tỷ đồng và 4.494 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 10 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 82% kế hoạch doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Mảng Dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 25.516 tỷ đồng sau 10 tháng – chính thức cán mốc 1 tỷ USD và tương đương với mức tăng 29%. Đà bứt phá được dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 31% (tương đương tăng trưởng 37% theo Yên Nhật) và 38%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 26.924 tỷ đồng, tăng 15%.
Trong tương lai, FPT sẽ nâng cao năng lực chuyên sâu trong lĩnh vực Automotive (mục tiêu tăng trưởng 50%/năm và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030. FPT cũng sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chíp bán dẫn: 2030 đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn (bao gồm cả các chứng chỉ chuyển đổi ngắn hạn từ các ngành liên quan như Điện tử, Viễn thông…).
Ngoài việc lợi nhuận tăng trưởng cũng như sự trở lại của khối ngoại, ngày 3/12 tới đây, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Với gần 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 1.500 tỷ cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 13/12/2024, tức là chỉ sau đúng 10 ngày chốt quyền.
Đây là đợt cổ tức thứ 2 cổ đông FPT được nhận từ đầu năm 2024. Trước đó vào giữa tháng 6, doanh nghiệp đã chi trả nốt cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, FPT còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Thông tin mới đây tại FPT Techday 2024, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, FPT đầu tư rất nhiều vào AI Factory ở Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, những AI studio được triển khai sẽ giúp khách hàng xử lý dữ liệu, huấn luyện mô hình để hệ thống học không ngừng và ngày càng cải thiện.
FPT cũng đang có những chiến lược phát triển mới, bám chắc vào 5 từ khóa AI - BÁN - XE - SỐ - XANH (AI, Bán dẫn, Công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). FPT tập trung vào xanh hóa bằng cách dùng AI vào vận tải và các lĩnh vực khác.