Với phân khúc đất nền, theo ông Đính, thị trường dự kiến sẽ mất ít nhất một năm để hồi phục. Sự phục hồi của phân khúc này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024.
Vị này cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cho biết, sự phục hồi của thị trường đất nền sẽ chậm nhịp hơn so với dự báo trước đó. Phải từ giữa năm 2024 trở đi, phân khúc này mới thực sự rõ nét về sức cầu. Nhu cầu của nhà đầu tư với đất nền vẫn rất lớn nhưng rào cản tâm lý, rủi ro biên lợi nhuận đang khiến họ phần nào e ngại. Theo ông Quang, loạt dự án hạ tầng giao thông đang triển khai sẽ có tác động với phân khúc đất nền trong vòng 2-3 năm tới.
Còn theo dự báo của ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group, dựa trên dòng nghiên cứu kéo dài chu kỳ lặp lại, cơn sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026. “Thời điểm hiện tại cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới đây, VNDirect dự báo, bất động sản sẽ vẫn trầm lắng trong năm 2024, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn.
Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, thị trường bất động sản đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, và hiện nay gần như đã chạm đáy. Thời điểm quý 4/2023, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên.
Trong một chia sẻ mới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dự báo, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm 2023 và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.
Có thể thấy, hiện nay, giới đầu tư cũng đang “nhắm” thời điểm thích hợp để xuống tiền. Những nhà đầu tư có tiền vẫn âm thầm gom đất để chờ cơ hội phục hồi của thị trường. Đặc biệt sản phẩm có vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông tốt với mức giá hợp lý vẫn có giao dịch.
Trong sự kiện mới đây, đại diện DXS - FERI đưa ra 3 kịch bản cho thị trường cuối năm.
Cụ thể, ở kịch bản lý tưởng, nguồn cung giảm 20-30%, lãi suất dưới 10-12%, giá bán tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ 40-50%.
Kịch bản kỳ vọng, nguồn cung giảm 30-50%, giá bán đi ngang, lãi suất 11-13%, tỷ lệ hấp thụ 20%
Kịch bản thách thức, nguồn cung giảm trên 50-60%, giá bán giảm 20%, lãi suất trên 14% tỷ lệ hấp thụ 10%.