Định vị thị trường
Trong khi thị trường Trung Quốc tiếp tục nghỉ lễ, chứng khoán Hong Kong trở thành tâm điểm của sự chú ý với phiên tăng 6,33%. Còn các thị trường khác trong khu vực có biến động trái chiều như NIKKEI 225 (-2,18%), KOSPI (-1,22%), TWSE (+0,75%).
Với thị trường Việt Nam, sau phiên rướn lên 1.300 điểm chưa thành công, nhà đầu tư lại gặp thử thách tâm lý. Hầu như toàn bộ thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index đều giao dịch trong trong sắc đỏ và chốt phiên với mức giảm 0,34%.
Chất xúc tác
Dòng tiền lại sụt giảm ngay sau phiên khớp lệnh cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại, hụt khoảng 26% xuống 677 triệu đơn vị. Tuy nhiên, chuỗi phiên khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên vẫn được duy trì sang con số 6.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm tần suất giao dịch với tỷ trọng 2 chiều mua/bán chỉ còn 6,92%. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với giá trị ròng đạt hơn 250 tỷ đồng. Các mã TCB (+259,5 tỷ đồng), PNJ (+160,7 tỷ đồng), FPT (+66,8 tỷ đồng), VCB (+49 tỷ đồng), TPB (+43,2 tỷ đồng) được mua vào nhiều nhất.
Thống kê trên cho thấy, tiền nội đã chậm lại trong hoạt động giao dịch nhưng vẫn áp đảo ở thời điểm hiện tại. Sự hỗ trợ từ biến số thanh khoản hệ thống đang trở lại sau khi lãi suất liên ngân hàng có chiều hướng hạ nhiệt sau một loạt các phiên bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm đã xuống còn 4,14%.
Qua đó, NHNN cũng tranh thủ hút ròng trong ngày hôm qua. Kênh cầm cố đã có 3.251,12 tỷ đồng trúng thầu, có 23.046,31 tỷ đồng đáo hạn. Tổng cộng, NHNN hút ròng 19.795,19 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 50.863,28 tỷ đồng, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Việc chinh phục 1.300 điểm không thành công trong ngày hôm qua đã khiến cho thị trường phải quay lại thử thách tâm lý giao dịch. Trong cả phiên giao dịch, VN-Index chỉ có đúng một nhịp rướn qua tham chiếu trong khi sắc đỏ xuất hiện trong hầu hết thời gian.
Tại rổ VN30, các mã TPB (+2,3%), PLX (+1%), TCB (+1%) có những nỗ lực hỗ trợ thị trường về cuối phiên để giúp cho chỉ số triệt tiêu bớt những áp lực. Thực tế, số mã giảm trong VN30 lên tới 19/30 mã trong đó HPG (-1,7%), HDB (-1,6%), CTG (-1,4%), VRE (-1,3%), SHB (-1,4%), VPB (-1%), VIC (-0,6%), MWG (-0,6%) tạo ra sức ép nhiều nhất.
Vận động của các cổ phiếu lớn tác động tới cả thị trường chung "chìm" trong sắc đỏ. Độ rộng của HOSE đạt 64% mã giảm. Tại nhóm Bất đông sản, một số mã còn gặp phải áp lực bán lớn như PDR (-5,6%), DXG (-4,8%), LDG (-4,6%), DIG (-2,2%), NDN (-2,1%), TDC (-2,1%), TCH (-1,9%).
Nhóm Chứng khoán có sự phân hóa mạnh với một số mã tăng như ORS (+3,5%) trái ngược HCM (-1,13%), VND (-2,3%), AGR (-1,8%), FTS (-1,6%), VIX (-1,21%). Trong khi BVS (+2,5%), MBS (+1,6%) vẫn đóng cửa trong sắc xanh trên HNX.
Tương tự là nhóm Khu Công nghiệp và Cao su với chiều tăng bao gồm GVR (+0,4%), DPR (+1,2%) còn chiều giảm KBC (-2,1%), D2D (-2,6%), VGC (-2,1%), VGC (-1,5%) cùng mất trên 1%.
Nhóm Dầu khí dù tăng giá khá đồng đều nhưng thành tích chung của các cổ phiếu không quá ấn tượng ngoại trừ cổ phiếu PSH tăng kịch trần.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,34%) xuống 1.287,84 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 771,12 triệu đơn vị, tương đương 17.747 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM cũng đều đóng cửa giảm nhẹ xuống 235,05 điểm và 93,28 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.700 tỷ đồng.