Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức chiều ngày 8/4, lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ - mã MWG) nhận được nhiều câu hỏi chất vấn đề hoạt động của doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào chuỗi Bách Hóa Xanh và hoạt động đầu tư ra thị trường Indonesia.
Tình hình sáng sủa từ quý 3
Tại đại hội, ban lãnh đạo MWG xác định mục tiêu kinh doanh năm 2023 với 135.000 tỷ đồng, doanh thu và lãi sau thuế 4.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với năm 2022. Mục tiêu kinh doanh được đưa ra dựa trên tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý 3/2023.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO công ty, hiện tại tình hình kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bị tác động bởi nhiều yếu tố. Bán lẻ bị tác đông nhiều, đặc biệt điện thoại điện máy, vốn được đánh giá tạm thời là hàng xa xỉ.
“Trong điều kiện bình thường, mỗi năm người tiêu dùng đổi điện thoại một lần, hay mua ti vi to lên. Nhưng nay điện thoại, điện máy bị tác động nhiều. Tình hình kinh doanh trong quý 1 cũng như đánh giá một vài quý tới khó khăn. Dự báo, quý 3 -4 thị trường dần dần khôi phục, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng lên”, lãnh đạo MWG nói.
Giải thích kỹ hơn cho nhận định trên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch công ty lý giải có 4 dấu hiệu để có niềm tin quý 3, 4 tình hình khả quan hơn quý 1, 2.
Thứ nhất, tình trạng đơn hàng xuất khẩu gia công thời gian qua sụt giảm, đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Hai, lãi suất công ty đánh giá kiểm soát theo chiều hướng giảm. Ba, bất động sản đã có những dấu hiệu được cởi trói những nút thắt lớn. Vài tháng nữa bất đông sản bước qua đáy, từ đó đi lên, nhanh hay chậm chưa dự báo được nhưng không tệ hơn. Bốn, đầu tư công năm nay đẩy mạnh.
Không IPO Bách Hóa Xanh
Đề cập tới sự sụt giảm doanh thu, lãnh đạo công ty cho biết, sức mua hiện giờ sụt giảm phần lớn do tình hình chung thị trường bán lẻ. Sức mua giảm nằm ở phân khúc trung trở xuống. MWG không bị tác động bởi tồn kho cao, hiện quản lý tồn kho tốt.
Ông Tài chia sẻ, trong quá khứ, doanh thu công ty đến từ vay tiêu dùng chiếm trên 35% doanh thu tập đoàn. Chẳng hạn, 100 tỷ thì 35 tỷ từ kênh trả góp, nhưng kênh này giai đoạn qua đứng hình.
“Trước đây 3-4 đối tác trả góp thì hiện chỉ còn 1 đơn vị duy nhất trên thị trường. Cạnh tranh không còn thì chuyện gì xảy ra? Trong giai đoạn này ai dám cho vay không? Tỷ lệ duyệt hồ sơ rớt thảm. Thế vô cùng khó. Doanh số cho vay trả góp rớt xuống dưới 10%”, ông Tài thông tin.
Và theo vị này, với một chuỗi lớn như MWG, cách làm trả góp rất khác biệt, là hệ thống của công ty, thu thập thông tin kết nối đối tác để vận hành nên mới đạt tỷ lệ vay tiêu dùng chiếm 35% doanh thu. Trong giai đoạn mọi thứ thuận lợi thì công ty nhờ hoạt động này, khi khó khăn thì bị tác động nhiều.
Trả lời cổ đông về kế hoạch IPO Bách Hóa Xanh, lãnh đạo TGDĐ cho biết, Bách Hóa Xanh chỉ phát hành riêng lẻ, không IPO. Do tính chất bảo mật nên không chia sẻ cụ thể trong quá trình làm việc với nhà đầu tư, sau khi hoàn tất sẽ thông tin với cổ đông.
Tự tin thành công ở thị trường Indonesia
Với hoạt động đầu tư ra thị trường Indonesia, CEO MWG cho biết, cuối 2022 công ty mở được 5 cửa hàng, kinh doanh tới nay trọn 1 quý, tín hiệu khá tích cực với mô hình shop khoảng 400m2, đạt doanh thu trung bình shop 4,5-5 tỷ/cửa hàng.
“Với quy diện tích như vậy nếu ở Việt Nam là có lời nhưng khi đầu tư sang thị trường nước ngoài, chi phí khá cao ở thời điểm set up ban đầu. Công ty đang nỗ lực tối ưu chi phí còn lại, tìm mô hình kinh doanh thành công, dự kiến giữa quý 2 tăng tốc mở rộng với tinh thần mở chậm, khi nào tự tin sẽ tăng tốc, kỳ vọng lúc đó thị trường sáng sủa”, lãnh đạo công ty cho biết.
Lãnh đạo TGDĐ cũng đánh giá có sự khác biệt lớn về thị trường Indonesia và Campuchia. Khách hàng ở Indonesia đang ủng hộ mô hình mà công ty triển khai. Ở Indonesia, các nhãn hàng, nhà phân phối lấy sản phẩm làm động lực chính, trong khi TGDĐ đưa mô hình lấy dịch vụ, chất lượng phục vụ làm động lực. Công ty có thể phục vụ cả mặt hàng thương hiệu mạnh và chất lượng dịch vụ, là cơ sở thành công.
“Mô hình công ty khác biệt mô hình mà Indonedia đang có, là “full service”, chưa từng tồn tại ở đây trước khi MWG qua, đây là sự khác biệt. Kết quả ban đầu trả ra đây là mô hình hiệu quả”, Chủ tịch TGDĐ chia sẻ.
Khác biệt chiến lược
Như vậy có thể thấy, TGDĐ có sự khác biệt về chiến lược hoạt động với một trong số đối thủ trên thị trường bán lẻ hiện nay là FPT Retail (FRT).
Chia sẻ mới đây với chúng tôi, lãnh đạo FRT cho biết, năm nay, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn giữ nguyên kế hoạch về độ phủ, thậm chí đẩy nhanh hơn với việc mở thêm 500-600 cửa hàng trong 2023. Về mặt tỷ trọng, năm 2022 Long Châu chiếm 30% doanh thu, dự kiến năm nay chiếm khoảng 35%.
Tuy nhiên về mảng điện thoại, máy tính, lãnh đạo FRT cũng đưa ra nhận định thận trọng tương tự TGDĐ. Theo đó, với FPT Shop có thể nhìn thấy rõ, kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ chi tiêu những thứ cần thiết trong cuộc sống. Điện thoại không phải là mặt hàng như vậy nên việc giảm nhu cầu chung là tất yếu có thể xảy ra.
Lãnh đạo FRT cho rằng, nếu trong điều kiện không có gì bất thường thì tình hình khó khăn sẽ kéo dài hết quý 2, kịch bản xấu hơn sẽ hết quý 3. Khó khăn chỉ chấm dứt khi mùa iPhone mới đến vào cuối năm, vì người Việt rất ưa thích iPhone.
“Quý 4 mọi chuyện mới có thể trở lại bình thường khi kinh tế vĩ mô điều hành kịp thời, sát sao, thị trường bất động sản ấm lại, thị trường vốn dễ dàng tiếp cận hơn, lãi suất, tỷ giá điều hành tốt hơn, các hoạt động kinh doanh ngành nghề khác ổn định trở lại”, lãnh đạo FRT nhận định.