Tại báo cáo trên, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2.
Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Đối với dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93.090 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4.654.480 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.460 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14.673.000 m2.
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.
Hiện đã khởi công 17 dự án với tổng số khoảng 31.230 căn, trong đó, nhà ở xã hội 14 dự án quy mô 27.870 căn, nhà ở công nhân 03 dự án quy mô 3.360 căn.
“Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra”, báo cáo nhấn mạnh.
Vốn mới đáp ứng 35% nhu cầu
Đề cập đến việc bố trí, giải ngân nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn 2016-2020 đã phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020 cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) không được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020 không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến tháng 10/2022, trên cả nước đã giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022.
Theo Bộ Xây dựng, hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.
Về tổ chức thực hiện, Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo đó, vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội).
Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội; Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
“Mặc dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội, tuy nhiên các cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê.” – báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định.
Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan; trong đó sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… để thu hút chủ đầu tư tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội.