Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (mã TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023.
Trong đó, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần 2.737 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Lãi từ chứng khoán đầu tư giảm khá mạnh, tới 58%, xuống còn 34 tỷ đồng trong khi lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 74%, còn 41 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ lại ghi nhận kết quả khá khả quan trong kỳ qua với mức lãi thuần 696 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng đột biến tới 4,7 lần, đạt 151 tỷ đồng.
Tự chung lại, tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong quý đầu tiên của năm đạt 3.659 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động lại tăng tới 28% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 2.080 tỷ đồng, giảm 13% so với con số đạt được trong quý 1/2022.
Dù vậy, nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 58% nên kết thúc quý 1/2023, TPBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 9% so với cùng kỳ, đạt 1.765 tỷ đồng.
Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 20,3% kế hoạch năm (8.700 tỷ đồng).
Đến cuối tháng 3/2023, tổng tài sản của TPBank đạt 343,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng 7,3% đạt gần 172,8 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,1%, lên gần 201 nghìn tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, thuyết minh báo cáo cho thấy, đến ngày 31/3, TPBank đang có 2.497 tỷ đồng nợ xấu, tăng mạnh tới 84% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm 3 (tăng gấp 3,1 lần) và nhóm 4 (tăng gần 64%). Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,84% hồi cuối năm 2022 lên 1,45% khi kết thúc quý 1/2023.
Ngày 26/4 tới, TPBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Năm nay, ngân hàng lên mục tiêu đến cuối năm, tổng tài sản sẽ đạt 350 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cuối năm trước. Vốn điều lệ dự kiến tăng mạnh 39%, lên hơn 22 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa công bố kế hoạch tăng vốn cụ thể tới cổ đông.
Tổng huy động tăng 6%, lên gần 307 nghìn tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến tăng 18%, lên hơn 215,7 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tùy theo hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 2,2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng nhẹ 11%, đạt 8.700 tỷ đồng, tỷ lệ CAR hơn 10%, ROE dự kiến đạt 20,63%, giảm nhẹ so với mức 21,51% đạt được trong năm 2022.