Thông tin trên được ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) nêu lên tại “Buổi gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và báo chí" ngày 31/7, tại TP. Hồ Chí Minh, do Văn phòng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tổ chức.
Mục tiêu xuất khẩu 57 - 58 tỷ USD, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, 7 tháng đầu năm ngành nông lâm thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sản xuất trong nước đến thị trường xuất khẩu, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành và cộng đồng doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế, 7 tháng đầu năm đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; sản phẩm chăn nuôi đạt 287,6 triệu USD, tăng 4,8%; thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; lâm sản đạt 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%...
Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng 21,1%, tăng 21,6%); Trung Quốc (chiếm 20,5%, tăng 11,3%) và Nhật Bản (chiếm 6,6%, tăng 4%). Đặc biệt, cán cân thương mại nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt thặng dư 9,42 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
“Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 57 - 58 tỷ USD, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao (55 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng 7,3% sẽ tạo đà xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng tốc ở các tháng cuối năm và đạt mục tiêu 58 tỷ USD, vì đây là thời điểm các thị trường tăng nhập khẩu chuẩn bị hàng hóa các dịp lễ, tết”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) cho biết, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả tăng trưởng trên 20%, hy vọng năm 2024 sẽ đạt từ 6,5 - 7 tỷ USD.
“Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi với Trung Quốc, nếu hai mặt hàng này được phép xuất khẩu vào Trung Quốc có khả năng đem lại 500 triệu USD kim ngạch cho nên năm nay xuất khẩu rau quả đạt 7 tỷ USD là tối đa", ông Nguyên nói.
Xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 4-5 tỷ USD
"Kim ngạch xuất khẩu rau quả các tháng cuối năm nhờ vùng sầu riêng Tây Nguyên, với sản lượng bằng một nửa sản lượng cả nước lại thu hái vào thời điểm các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines đã xong vụ nên kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt cao, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước tăng trưởng tốt”, Tổng thư ký Vinafruite nói.
Theo ông Nguyên, để ngành sầu riêng nói riêng và rau quả nói chung phát triển bền vững hơn, Bộ Nông nghiệp cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất khẩu, theo đó xác định tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất tươi và đông lạnh, để các địa phương và các ban ngành dựa vào bộ tiêu chuẩn chung kiểm soát chất lượng hàng hóa, giúp việc giữ vững thị trường và kim ngạch xuất khẩu, từ đó góp phần vào mục tiêu kim ngạch chung của toàn ngành nông lâm thủy sản.
“Bây giờ sầu riêng không còn là một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ lẻ mà có khả năng bứt phá lên từ 4 - 5 tỷ USD, nên cần có một bộ tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng hàng hóa và giữ vững uy tín trên thị trường từ đó giữ vững kim ngạch xuất khẩu về lâu về dài”, Tổng thư ký Vinafruite nhấn mạnh.
Ông Nguyên cho biết thêm, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay tăng từ 20 đến 30% so với năm ngoái là nhờ đầu năm khủng hoảng Biển Đỏ làm tắc nghẽn dòng chảy hàng hóa xuất khẩu của các nước, nên các nước Đông Bắc Á trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản gặp khó khăn trong nhập khẩu hàng hóa từ các vùng Nam Mỹ hay Trung Đông, nên quay sang tiêu thụ hàng hóa trong vùng Đông Nam Á nhiều hơn trước.
Kết quả là nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng lên 65%. Năm 2023, Hàn Quốc từ vị trí thứ ba, thứ tư nhập khẩu rau quả Việt Nam năm nay đứng thứ hai sau Trung Quốc, và đẩy Mỹ xuống hàng thứ ba. Xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản cũng tăng mạnh về kim ngạch hơn năm ngoái.
Mặt khác, khu vực Đông Bắc Á có thu nhập cao và đông dân cư nên nhu cầu tiêu thụ rau quả cao và họ đã tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ cần tập trung khai thác tốt thị trường Đông Bắc Á bằng cách đàm phán mở cửa thị trường, ngoài ra tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, cấp mã số vùng trồng nhanh chóng thuận lợi, đó là hướng tăng xuất khẩu rau quả trong các tháng còn lại cũng như thời gian tới.
Trung Quốc yêu cầu đàm phán mở cửa từng loại sản phẩm
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang các thị trường, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) đã cung cấp một số thông tin liên quan đến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật áp dụng đối với trái cây tươi xuất khẩu sang một số thị trường các nước phát triển.
Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ yêu cầu xử lý chiếu xạ đối với các loại trái xuất khẩu sang thị trường này như thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài và bưởi. Thị trường Nhật Bản lại yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng Methyl Bromide lạnh cho các loại trái cây như thanh long (đỏ, trắng), xoài (Cát Chu), vải và nhãn.
Hàn Quốc yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng cho thanh long (đỏ, trắng), xoài (Cát Chu). Xoài, thanh long, chôm chôm, chanh, bưởi xuất khẩu sang New Zealand được yêu cầu xử lý chiếu xạ hơi nước nóng. Thị trường Úc yêu cầu xử lý chiếu xạ hơi nước nóng trên thanh long, vải, xoài, nhãn,
“Trung Quốc – thị trường chủ lực của xuất khẩu rau quả, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, họ yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm và ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với các loại quả truyền thống đối với măng cụt, sầu riêng, khoai lang, chuối, và Cục BVTV đang tiếp tục đàm phán đối với các loại sản phẩm truyền thống còn lại. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói”, bà Hiền cho biết.
Các mặt hàng truyền thống như: Xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít, thanh long được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, thì Việt Nam đã ký Nghị định thư: Măng cụt (2019), thạch đen (2020), sầu riêng (2022), khoai lang (2022), chuối (2022), dưa hấu (2024). Hướng dẫn tạm thời: Chanh leo, ớt.