Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng” tổ chức sáng ngày 9/11.
Hội thảo công bố báo cáo sáng 9/117 yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch COVID-19. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.
Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác như: chiến tranh, dịch bệnh, môi trường, tài chính, nhân sự…
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Khủng hoảng COVID-19 là một trường hợp điển hình được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu”, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp cho thấy, có 7 yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó khủng hoảng gồm: Năng lực quản trị doanh nghiệp; thị trường, khách hàng; quy mô vốn; ngành nghề kinh doanh; khả năng huy động vốn; thời gian hoạt động và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Trong đó, 32,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ vượt qua khủng nhờ năng lực quản trị; 20,5% doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ giữ được khách hàng, phát triển thị trường. Quy mô vốn là yếu tố thứ ba giúp doanh nghiệp trụ vững trong khủng hoảng với 20% số doanh nghiệp khẳng định điều này. Các yếu tố còn lại có mức độ quan trọng thấp hơn trong quá trình “vượt bão” của doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ trả lời khảo sát từ 14,7%-18%.
Đáng lưu ý, chuyển đổi số cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng nhưng chỉ có 14,7% doanh nghiệp cho biết đã bắt kịp chuyển đổi số, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, nhờ đó vượt qua được khủng hoảng.
“Kết quả khảo sát này cho thấy có rất nhiều việc phải làm trong chương trình chuyển đổi số Chính phủ đã ban hành, từ việc thực thi chính sách đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa...”, báo cáo nêu.
Không có công thức chung cho tất cả
Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do mức độ và chiều hướng tác động của COVID-19 lên các ngành có sự khác nhau, nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ; trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô, thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây", bà Nguyễn Thị Việt Anh nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, để nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất định hiện tại, doanh nghiệp cần phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng, do việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, đồng thời, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.
"Về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay, để có cơ hội bứt phá và vươn lên phát triển", bà Nguyễn Thị Việt Anh khuyến nghị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được quản lý quá chặt chẽ lại có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược; đồng thời, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.
“Các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh. Từ đó, biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn”, bà Nguyễn Thị Việt Anh nhìn nhận.
Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai.
“Các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh doanh mới, thị trường mới...”, bà Nguyễn Thị Việt Anh nhấn mạnh.