Bơm tiền mạnh nhưng vốn của Ngân hàng Nhà nước… “ế”

Phiên thứ hai liên tiếp Ngân hàng Nhà nước bơm tiền mạnh ra thị trường, nhưng đã có dấu hiệu “ế” đáng kể. Lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

11/10 là phiên thứ hai hệ thống ngân hàng đón nhận “biến cố” bất lợi từ biến động thanh khoản liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền mạnh.

Tuy nhiên, trong phiên hôm qua, hệ thống đã không hấp thụ hết lượng Nhà điều hành chào thầu; và đáng chú ý là lãi suất giảm khá mạnh.

Cụ thể, phiên 11/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày và 22.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất; tổng khối lượng theo đó là 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 26.088,05 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất ở mức 5,0% cả 2 kỳ hạn, đồng nghĩa lượng chào còn “ế” gần 4.000 tỷ đồng.

Không những thế, các thành viên tham gia còn trả lại Ngân hàng Nhà nước gần 12.000 tỷ đồng do lượng vay trước đó đáo hạn.

Như vậy, “qua sự kiện SCB”, Ngân hàng Nhà nước đã có hai phiên bơm ròng liên tiếp khá lớn. Điểm chung, kỳ hạn bơm hỗ trợ thanh khoản hệ thống dài hơn trước, với 14 và 28 ngày thay vì rất ngắn chỉ 7 ngày trước đó.

Điểm được chú ý tiếp theo, lãi suất hỗ trợ nguồn ở đây giảm mạnh, không quyết liệt như trước đó (qua đấu thầu lãi suất), khi chỉ 5%/năm. Mức lãi suất này một mặt thấp hơn các mức 6,5-6,9%/năm hơn một tuần trước, mặt khác lại được áp cho kỳ hạn dài hạn là 14 và 28 ngày. Trong cân đối vốn ngân hàng, kỳ hạn càng dài thông thường chi phí sẽ phải cao hơn, nhưng nay có “mềm” hơn trước.

Tuy vậy, ở cân đối tổng thể, hệ thống hiện vẫn đang phải mượn tới 74.459,56 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước qua số dư trên kênh cầm cố thị trường mở; trong khi họ cũng đã có 38.398,9 tỷ đồng tạm gửi ở Nhà điều hành ở kênh tín phiếu; theo đó, tổng vốn hỗ trợ ròng từ Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn hơn 36.000 tỷ đồng.

“Đồng thuận” với diễn biến trên, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hôm qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khi giảm khá mạnh ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,37 - 0,62 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, qua đêm còn 6,94%, 1 tuần 7,30%, 2 tuần 7,44% và 1 tháng 7,69%.

Với những diễn biến trên, thanh khoản hệ thống và cân đối nguồn đã bớt căng thẳng. Nhưng, ở một diễn biến khác, tỷ giá USD/VND lại trở lại gây áp lực.

Hôm qua, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh trở lại; chốt phiên với mức 23.936 VND/USD, tăng tới 50 đồng so với phiên 10/10. Theo đó, một lần nữa, giá USD giao ngay trên thị trường này đã lại vượt trên mức Ngân hàng Nhà nước yết bán ra (23.925 VND).

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ROE đạt tới 26,7% cao trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng trả cổ tức năm 2023 lên tới 30% gồm tiền và cổ phiếu.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC).

Tổng Giám đốc HSC: Thị phần môi giới cá nhân có thể tăng gấp đôi, trái phiếu doanh nghiệp là mảng kinh doanh mới

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá triển vọng mảng môi giới cá nhân đã khởi sắc trở lại bất chấp sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ. Ngoài ra, tiết lộ sự chuẩn bị tham gia của công ty vào tự doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE