Từ khi ra mắt thế hệ iPhone mới, Apple liên tục gặp tình trạng không đủ hàng cung cấp ra thị trường. Nguyên nhân đến từ việc nhà máy lớn nhất của đối tác Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc) hoạt động bất ổn. Ước tính, sản lượng iPhone được nhà máy Trịnh Châu cung cấp ra thị trường lên đến 35-40% doanh số bán ra.
Căng thẳng về nguồn nhân lực tại nhà máy iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc) bắt đầu từ cuối tháng 10 khi hàng loạt công nhân bỏ trốn do lo ngại Covid-19. Theo nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc, nhà máy Trịnh Châu thiếu 100.000 lao động. Để duy trì hoạt động bình thường, nhà máy phải nhờ đến trưởng thôn huy động dân làng tham gia dây chuyền sản xuất.
Foxconn cũng đưa ra các chính sách ưu đãi về lương và thưởng để tuyển thêm người. Khoản trợ cấp lớn khuyến khích nhiều công nhân quay lại nhà máy. Nhờ đó, 72.000 người đăng ký “làm việc gắn bó” cho Foxconn.
Nhà máy Foxconn Trịnh Châu hoạt động không ổn định ảnh hưởng lớn tới nguồn cung iPhone 14Tuy nhiên, những quy định phòng dịch phức tạp của chính quyền khiến kế hoạch “tuyển quân” của Foxconn Trịnh Châu gặp khó. Công ty thông báo ngừng tuyển dụng do không sắp xếp kịp giường bệnh và khu cách ly. Theo quy định, người được thuê mới phải trải qua 4 ngày cách ly trước khi bắt đầu làm việc.
Nhà máy Foxconn chứa được 20-30 nghìn giường cách ly trong khi số lượng giường để đáp ứng nhu cầu công nhân là 50 nghìn. Lao động trong nhà máy chia làm 11 nhóm, được quản lý theo quy trình khép kín chặt chẽ để phòng chống dịch.
Foxconn Trịnh Châu cũng đưa ra những tiêu chuẩn cho công nhân làm việc “nội trú” trong nhà máy gồm độ tuổi từ 18-48, không có hình xăm, tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, không có tiền án tiền sự, giấy chứng nhận âm tính ba ngày liên tiếp...
Theo tiết lộ từ các công nhân, nhà máy đang trong tình trạng khá “hỗn loạn”. Lượng người ra vào nhà máy quá nhiều, gây ra sự huyên náo nhất định, hiệu quả làm việc trên dây chuyền cũng bị lo ngại bởi người mới vào chưa thể quen việc sau 3 ngày đào tạo ít ỏi. Bất chấp lương thưởng hấp dẫn, nhiều công nhân trong nhà máy cho biết không khuyến khích người quen tới đây tìm việc.
Để tăng nguồn cung iPhone mới, công ty đẩy mạnh hoạt động của các nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Foxconn thông báo tăng gấp 4 lần lượng công nhân ở nhà máy iPhone tại Ấn Độ trong 2 năm tới, từ 17.000 lên 70.0000 công nhân.
Trong năm nay, Foxconn đảm nhiệm 70% sản lượng iPhone toàn cầu, cao hơn 15% so với năm 2019. Trong đó, công ty Đài Loan sản xuất 80% lượng iPhone 14 và 14 Plus, 100% số iPhone 14 Pro và Pro Max. 20% iPhone 14 và 14 Plus còn lại do 2 đối tác Luxshare và Pegatron lắp ráp.
Apple thiệt hại nặng
Sự bất ổn tại các nhà máy lớn của khiến việc lắp ráp iPhone 14 Pro và 14 Pro Max bị ảnh hưởng. Đầu tháng 11, Apple thông báo sản lượng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max giảm mạnh và thời gian giao hàng dự kiến chậm đáng kể. Theo Bloomberg, điều này đe dọa trực tiếp đến doanh số bán hàng của Apple, đặc biệt trong mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm.
Những khách hàng tại Mỹ muốn đặt mua iPhone 14 Pro phải chờ đến ngày 30/12 mới có thể nhận hàng. Khoảng thời gian chờ đợi đến 34 ngày là mức cao nhất từ trước đến nay.
iPhone 14 Pro và 14 Pro Max thiếu hàng trên toàn cầuMatt Maley, Giám đốc chiến lược tại Miller Tabak + Co, nhận định: “Tình hình tài chính của người dùng đang căng thẳng do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Vì thế, nếu để lỡ cơ hội bán hàng dịp cuối năm, Apple rất khó bù đắp doanh số sau đó”.
Các chuyên gia cho rằng nếu thời gian chờ đợi không được cải thiện trong những tuần tới, doanh số bán hàng khó đạt được kỳ vọng tăng trưởng 2% so với năm ngoái của các nhà đầu tư.
Nhà phân tích Kyle McNealy của Jefferies ước tính mỗi tuần Apple mất đi khoảng 1 tỷ USD doanh thu và 0,01 USD giá trị cổ phiếu. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng thiệt hại có thể lên đến khoảng 3 tỷ USD doanh thu trong quý 3/2022.
Hiện nay, iPhone vẫn là “con bò sữa” của Apple dù công ty cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Vì thế, tình hình bán iPhone thế hệ mới ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới bức tranh kinh doanh của hãng.