3 nguyên nhân "khác thường" khi lãi suất giảm nhanh mà tín dụng tăng chậm

Từ đầu năm đến nay,  dù lãi suất đã giảm 4 lần nhưng dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14-15%. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú - Ảnh: VGP
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú - Ảnh: VGP

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần từ 0,5%-2%. Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%.

Cũng không hẳn là "ế tiền"

Đối với lãi suất điều hành của NHNN, Phó thống đốc cho biết thêm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, hiện nay lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%, lãi suất cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các NHTM, cho vay qua đêm chỉ 5%. Hai khoản cho vay này hầu như các NHTM thông thường đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của NHNN vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các NHTM cần để hưởng nguồn của NHNN.

"Cho vay thông qua thị trường liên ngân hàng, cho vay qua đêm cũng từ 0,4-1%. Có thể nói là rất thấp. Một tuần từ 0,8-1,5%, một tháng từ 3-3,2%. Có nghĩa là mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng rất thấp", Phó thống đốc nói và nhìn nhận lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm nhưng đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2% (số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng), trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14-15%. Còn tăng trưởng huy động vào khoảng 4,16%, tương ứng gần 12,7 triệu tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc huy động và cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư.

Phó thống đốc cho rằng, room (hạn mức) tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay. Trong khi đó, thanh khoản của các NHTM đang thừa.

Song theo Phó thống đốc nói "ế tiền" thì cũng không hẳn như vậy, mà chính ra là tín dụng tốc độ đang tăng trưởng chậm. "Đúng ra các nước khi mà lãi suất cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, còn lãi suất chúng ta đã hạ thì tín dụng thông thường phải tăng. Nhưng thực tế có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh", Phó thống đốc nói.

Những nguyên nhân tạo ra "khác thường"

Lý giải về những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh, Phó thống đốc cho biết có ba nguyên nhân.

Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Thứ hai, là do sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp.

Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn.

"Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, trong khi nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay", ông Tú nêu thực tế.

Về vấn đề này, Phó thống đốc cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Trong thời gian tới ngành ngân hàng cũng đặt ra yêu cầu phải quản lý tốt, tập trung tăng cường hơn nữa để lãi suất tiếp tục theo hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở các NHTM phải tính toán bảo đảm được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí cần thiết có điều kiện hạ lãi suất, cũng như cắt giảm các loại phí.

Bên cạnh đó, vừa qua, NHNN đã sửa Thông 39 và 06, qua đó tháo gỡ rất nhiều nội dung, đặc biệt ứng dụng công nghệ số nên đã tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận tín dụng nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Ngoài ra, NHNN cũng đang tiếp tục xem xét các đối tượng, lĩnh vực để cùng với các bộ, ngành có những chính sách đồng bộ. Chính sách giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ sẽ tiếp tục được tăng cường cũng như chỉ đạo các NHTM, các hiệp hội quan tâm triển khai tốt.

"Đây là những chính sách rất trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay", Phó thống đốc khẳng định.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ROE đạt tới 26,7% cao trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng trả cổ tức năm 2023 lên tới 30% gồm tiền và cổ phiếu.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC).

Tổng Giám đốc HSC: Thị phần môi giới cá nhân có thể tăng gấp đôi, trái phiếu doanh nghiệp là mảng kinh doanh mới

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá triển vọng mảng môi giới cá nhân đã khởi sắc trở lại bất chấp sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ. Ngoài ra, tiết lộ sự chuẩn bị tham gia của công ty vào tự doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE