Xuất khẩu tăng trưởng tốt, giá gạo cao, vì sao một số doanh nghiệp ngành gạo vẫn lỗ?

Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt song kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo niêm yết trên sàn lại có sự phân hóa và cán cân nghiêng nhiều hơn về phía các doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sâu, thậm chí thua lỗ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,24 triệu tấn với trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, tăng 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.

Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 song kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gạo lại có sự phân hóa, với số lượng doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm, thậm chí thua lỗ chiếm ưu thế.

Lãi vay tăng ăn mòn lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới gần 96% (trong khi cùng kỳ chiếm 88%) khiến lợi nhuận gộp giảm 25,5% so với cùng kỳ, xuống 66,5 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp co hẹp từ mức 11,7% của cùng kỳ xuống 4,1% trong quý II/2023.

Dù chi phí bán hàng giảm 38% xuống 25 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) lại tăng gần 40% so với cùng kỳ lên 30 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng gấp 3,7 lần lên hơn 9 tỷ đồng. Kết quả, Trung An báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi lên sàn.

Theo giải trình của công ty, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu thuần 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn hơn 600 triệu đồng, giảm gần 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Trung An đã hoàn thành được 66% kế hoạch doanh thu cả năm (mục tiêu 3.800 tỷ đồng) nhưng mới chỉ đạt được hơn 1% mục tiêu lợi nhuận sau thuế (dự kiến 50 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) công bố doanh thu thuần quý II/2023 đạt 162 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 33,6 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức lỗ của cùng kỳ năm trước, nối dài chuỗi 5 quý thua lỗ liên tiếp kể từ quý II/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm, AGM đạt doanh thu thuần 322 tỷ đồng, giảm 86,5% so với quý II năm ngoái. Lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên mức 56,7 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần số lỗ cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình, công ty tiếp tục thua lỗ trong nửa đầu năm 2023 do doanh thu hoạt động cốt lõi và doanh thu tài chính đều sụt giảm mạnh, trong khi các chi phí vẫn gia tăng, nhất là chi phí lãi vay tăng gần gấp 3 lên 44 tỷ đồng. Nợ vay của công ty tại thời điểm 30/6/2023 là 1.151 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm.

Không đến mức thua lỗ, nhưng Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (mã AFX) báo lãi sau thuế giảm đến 70% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, dù doanh thu tăng hơn 44% so với cùng kỳ, đạt 587 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp lợi nhuận quý II năm nay giảm mạnh do không ghi nhận khoản lợi nhuận khác từ cơ cấu tài sản như quý II năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 922 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế giảm 50%, xuống còn 9,9 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác là Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã NSC) báo doanh thu thuần đạt 519 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,5% và 32,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 834 tỷ đồng và lãi sau thuế 93 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,7% và 24,4% so với cùng kỳ.

Chiều ngược lại, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) đã có lãi trở lại trong quý II/2023 sau quý I/2023 và quý II/2022 đều tăng trưởng âm. Quý vừa qua, công ty ghi nhận lãi sau thuế đạt gần 425 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng và quý I/2023 lỗ 81 tỷ đồng). Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của doanh nghiệp này. Tuy nhiên lợi nhuận cao đột biến của Lộc Trời lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên hết - gần 327 tỷ đồng.

Lũy kế bán niên, Lộc Trời ghi nhận doanh thu 6.130 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 343 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ. Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, như vậy sau 6 tháng, tập đoàn này đã thực hiện được 86% mục tiêu cả năm.

Với doanh thu dẫn đầu ngành, đạt 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước nhưng Tổng công ty Lương thực miền Nam (mã VSF) chỉ ghi nhận lợi nhuận thu sau thuế quý II đạt 9,4 tỷ đồng. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn gấp hơn hai lần cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu gần 11.337 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Giá gạo tăng cao, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm, sang tháng 7 xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục xu hướng đi lên với lượng xuất khẩu đạt 600 nghìn tấn và giá trị đạt 326 triệu USD, lần lượt tăng 3,1% và 14,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ước đạt 4,483 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD, tăng 17,48% về số lượng và tăng 28,04% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Cũng trong tháng 7, giá gạo xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục khi thị trường liên tiếp nhận các lệnh cấm xuất khẩu gạo. Ngày 20/7, Ấn Độ lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng thường, Nga cấm xuất khẩu “tạm thời” gạo thô và gạo đã qua chế biến cho đến cuối năm. Và ngày 28/7, UAE khẩn trương cấm xuất khẩu gạo và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng.

Dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến ngày 11/8, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu tăng 20 USD/tấn so với tuần trước lên 638 USD/tấn; gạo Thái Lan 5% tấm tăng 10 USD/tấn lên 651 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 618 USD/tấn, cao hơn 31 USD/tấn so với giá gạo cùng loại của Thái Lan.

Việc giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng kéo theo giá lúa trong nước tăng liên tục song theo cập nhật của VFA đến 11/8, giá lúa có xu hướng chững lại. Giá lúa gạo ngày 11/8 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có biến động.

Theo lãnh đạo của VFA, thị trường các nước hiện vẫn đang cần hàng nhưng do giá gạo trong nước tăng quá cao, nên các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong việc giao hàng các hợp đồng cũ đã ký trước đây.

Mặt khác, giá gạo trong nước đang cao hơn giá gạo xuất khẩu nên rất khó mua bán, vì khách hàng không mua giá cao, nếu khách hàng mua thì doanh nghiệp cũng không dám bán, chỉ doanh nghiệp nào đã có được hàng trong kho mới dám ký bán.

Thực tế, theo ghi nhận từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp gạo nêu ở trên, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt hơn cũng là các doanh nghiệp tích trữ được tồn kho (chủ yếu là gạo thành phẩm) lớn hơn so với đầu năm.

Tuy việc giá lúa lên cao đang ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng nhìn chung theo nhận định của một số doanh nghiệp, triển vọng kinh doanh các tháng cuối năm của các doanh nghiệp ngành gạo vẫn khá sáng.

Ban lãnh đạo Gạo Trung An tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 6 nhận định cơ hội phát triển trong năm nay sẽ rất lớn do giữ vững được các đơn hàng, đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh. Hồi giữa tháng 7, sau khi vừa giao xong đơn hàng hơn 11.300 tấn gạo đến Hàn Quốc, Gạo Trung An tiếp tục ký được đơn hàng 17.000 tấn gạo sang thị trường này với giá bán 674 USD/tấn. Công ty cũng đang chuyển dần từ bán lẻ sang bán buôn xuất khẩu, đưa sản phẩm lên kệ các siêu thị tại những nước phát triển.

Tương tự, Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời mới đây cũng chấp thuận các hợp đồng giao dịch giữa tập đoàn và các đối tác liên quan đến việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và/hoặc Malaysia trong năm 2023, với mỗi giao dịch có giá trị tối đa tới 127 triệu USD.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như: nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường.

Chuyên gia hiến kế hạ giá nhà chung cư

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá chung cư Hà Nội sẽ có điểm điều chỉnh nhưng không nhiều. Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường.

Chat với BizLIVE