Sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng giá mạnh từng ngày, và chỉ trong vòng nửa tháng đã tăng đến gần 100 USD/tấn.
Hàng chục triệu người tiêu dùng trong nước sẽ phải mua gạo giá cao
Dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 04/8/2023, gạo xuất khẩu loại 5% tấm Việt Nam có giá 618 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn, cả hai loại gạo này đều tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày 03/8. Trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan đứng ở mức 625 USD/tấn (không tăng).
Ước tính, đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines tiếp tục là nhà mua gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Kế sau là Trung Quốc, nhập khẩu hơn 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu. Thị trường châu Âu tuy chỉ đạt tỷ lệ nhỏ, khoảng 2% nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Thị trường châu Phi thậm chí tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Tại thị trường trong nước, những ngày qua, giá lúa có xu hướng tăng cao từng ngày. Giá lúa ngày 07/8/2023 tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang lúc 10h30 ngày 7/8/2023, lúa IR 50404 giá 6.900 – 7.250 đồng/kg lúa tươi, tăng 150 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.000 – 7.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.100 – 7.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 giá 7.500 – 7.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg…
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA cho biết, thị trường vẫn đang cần hàng nhưng do giá gạo trong nước tăng quá cao và tăng cao từng ngày một, nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc giao hàng các hợp đồng cũ đã ký trước đây.
Mặt khác, giá gạo trong nước đang cao hơn giá gạo xuất khẩu nên rất khó mua bán, vì khách hàng không mua giá cao, nếu khách hàng mua thì doanh nghiệp cũng không dám bán, chỉ doanh nghiệp nào đã có được hàng trong kho mới dám ký bán.
“Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không dám ký hợp đồng mới vì nếu bán rồi không biết thị trường ngày mai, ngày kia sẽ như thế nào. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều kinh doanh thương mại, và vấn đề quan trọng nhất là ký hợp đồng mua, liệu nhà cung ứng có giao hàng không”, Phó chủ tịch VFA nói.
Vẫn theo Phó chủ tịch VFA, trong bối cảnh giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới, nên giá gạo tuy cao nhưng vẫn không bán được.
Mặt khác, giá gạo nội địa thời gian qua tuy tăng cao nhưng thị trường gạo tiêu dùng trong nước vẫn chưa bị biến động nhiều, vài hôm nữa khi nguồn gạo tồn kho hết, giá gạo mới sẽ đi vào thị trường lúc đó giá tiêu dùng trong nước bắt đầu tăng lên.
"Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là hàng chục triệu người tiêu dùng trong nước sẽ phải mua gạo giá cao để ăn, vì giá nội đang cao hơn giá ngoại thì người tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng nhiều nhất", ông Nam nói.
Đầu cơ góp phần đẩy giá gạo tăng nóng
Phân tích nguyên nhân khiến giá gạo tăng nóng, theo ông Nam có 2 yếu tố. Thứ nhất có một số người đang đầu cơ, tăng mua gạo vào lúc giá đang lên nên kỳ vọng bán được giá cao. Thứ hai, mua giao cho các hợp đồng đã ký trước.
Ông Nam cũng cho biết, gạo là mặt hàng rất nhạy cảm với tin đồn, hiện nay giá gạo trong nước tăng theo tin đồn của thị trường. Dự kiến, đến tháng 9, Ấn Độ vào vụ thu hoạch lúa, tháng 10, nếu dư hàng có thể Ấn Độ sẽ mở cửa bán gạo trở lại, khi đó giá gạo sẽ giảm. Khả năng này là rất lớn và năm nào Ấn Độ cũng sử dụng “chiêu” này để kích thị trường.
“Không có nhà đầu cơ hay doanh nghiệp khi đầu ra không bán được mà cứ “nhắm mắt” mua vào, nếu bây giờ họ thấy đầu cơ không hiệu quả và dừng mua thì giá gạo sẽ tự động ổn định trở lại. Mặt khác, khi những người đầu cơ thấy không thể tìm kiếm được lợi nhuận nữa họ sẽ dừng lại, giá gạo cũng sẽ đứng lại. Chính phủ cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp “nếu mua được gạo thì bán không nên đầu cơ tích trữ”, ông Nam nói.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.HCM cho biết, giá gạo trên thị trường đang rất cao nên có những doanh nghiệp đã thương lượng với nhà nhập khẩu lùi thời gian giao hàng. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp buộc phải mua để giao vì khách không thương lượng, và trên thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng đầu cơ.
Nhằm bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch theo từng chủng loại, mùa vụ trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.