Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền của VPBank là ngày 23/5/2024. Cổ đông VPBank sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức đối với mỗi cổ phiếu VPB nắm giữ. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.
Đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp ngân hàng tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, bám sát lộ trình ban lãnh đạo ngân hàng này cam đưa ra đối với hoạt động phân phối lợi nhuận trong 2 mùa đại hội cổ đông gần nhất.
Trước đó, tại ĐHCĐ tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, một lần nữa khẳng định kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liền không có gì thay đổi, đồng thời cho biết cổ tức sẽ được chia ngay trong quý 2 hoặc muộn nhất là quý III năm nay, đáp ứng mong mỏi của các cổ đông trong việc nhận cổ tức hàng năm.
Trong năm 2024, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Ngân hàng mẹ, trong đó dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, trong khi công ty chứng khoán VPBankS và công ty bảo hiểm OPES đóng góp lần lượt 1.902 tỷ đồng và 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận của ngân hàng.
Cánh tay tài chính tiêu dùng FE CREDIT, trong khi đó, được kỳ vọng sẽ tìm lại đà tăng trưởng sau thời giam chững lại, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm nay.
Tăng trưởng tín dụng và huy động của ngân hàng dự kiến sẽ đạt lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Tổng tài sản hợp nhất dự kiến tăng 19%, đạt hơn 974 nghìn tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, VPBank ghi nhận LNTT hợp nhất đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, LNTT của quý I đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.
Tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với đầu năm – cao hơn mức trung bình ngành 1,3%, và tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt gần 613.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất, trong khi đó, tăng 2,4% so với cuối năm 2023 và tăng hơn 21% so với cùng kỳ, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối vững chắc của ngân hàng.
Trong năm 2024, phân khúc SME của VPBank ghi dấu ấn với mức tăng gần 14%, nhờ đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới và số hóa quy trình cho vay nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Phân khúc Khách hàng cá nhân (KHCN) tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống với dư nợ cho vay đạt trên 240 nghìn tỷ đồng, với dấu ấn từ các sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng tăng lần lượt 3,4% và 4% so với đầu năm.
Nền tảng vốn vững chắc bồi đắp trong năm 2023 cùng thanh khoản dồi dào đã và đang góp phần tối ưu chi phí vốn (CoF) của VPBank qua từng quý. Tại thời điểm ngày 31/3, chi phí vốn của ngân hàng hợp nhất giảm xuống dưới 5% so với trung bình trên 6% của quý IV và cả năm 2023, định hình xu hướng giảm dần qua từng quý.
Cổ tức tiền mặt lên ngôi
Chi trả cổ tức bằng tiền mặt đang nổi lên như một xu hướng mới của nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây khi được yêu cầu không chia tiền mặt trong giai đoạn Covid-19 từ phía cơ quan chủ quản được gỡ bỏ và sức khỏe của nhiều ngân hàng được cải thiện với khả năng sinh lời được cải thiện đáng kể.
Trong mùa ĐHCĐ vừa qua, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3-15%, với lợi tức tương đương 1,5-6%/năm, cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm niêm yết ở một số ngân hàng.
Kể từ năm 2023, xu hướng trả cổ tức bằng tiền mặt nở rộ khi có 6 ngân hàng là VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, với một số ngân hàng thậm chí đưa ra cam kết về một lộ trình chi trả cổ tức đều đặn trong trung-dài hạn như VPBank.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt luôn là những ngân hàng có nền tảng vốn lớn và được xếp hạng cao về hệ số an toàn vốn. Đây được xem là tín hiệu tích cực về sức khỏe tài chính và sự tự tin vào triển vọng lợi nhuận trong tương lai.
Cuối năm ngoái, VPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho cổ đông, tương ứng với gần 8.000 tỷ đồng. Lợi tức cổ tức của ngân hàng này theo đó đạt 5,3%, là 1 trong 2 ngân hàng có mức lợi tức cao sau TPBank (9,7%) – cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện tại.
Với dự báo lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, lợi tức từ cổ tức của VPBank được cho rằng sẽ tiếp tục tăng lên. Đi cùng với đó là sự chênh lệch thị giá theo chiều hướng tích cực do mức cổ tức, giá trị của doanh nghiệp và tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ gia tăng.