VND mất giá 8,6%, một số doanh nghiệp vẫn có thể hưởng lợi lớn

SSI cho rằng việc VND mất giá 8,6% từ đầu năm gây rủi ro với nhóm doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh như HVN, BSR, VIC, POW, HPG. Song một số vẫn có thể hưởng lợi lớn như ACV, GAS, FPT, VHC.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính từ đầu năm cho đến nay, VND đã mất giá 8,6% và trước mắt, nhóm các doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá. Ở chiều ngược lại, vẫn có một số doanh nghiệp được hưởng lợi khi VND mất giá nhờ ít vay nợ bằng USD hoặc sở hữu lượng tiền mặt ròng lớn,...

TỶ GIÁ USD/VND LIÊN TỤC BIẾN ĐỘNG

Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research cho biết, áp lực lên tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong tháng 10 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có những biện pháp điều hành để ổn định thị trường ngoại hối. Vào ngày 17/10, NHNN đã thông báo quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/- 3% lên +/- 5%.

Tiếp đó, giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch NHNN (GDNHNN) được nâng lên 24.380 đồng, từ mức 23.925 đồng trước đó và tiếp tục tăng lên 24.870 đồng sau một tuần (24/10, tương đương mức tăng 7,4% so với cuối năm 2021).

Diễn biến tỷ giá USD/VND - Nguồn: NHNN, SSI
Diễn biến tỷ giá USD/VND - Nguồn: NHNN, SSI

Theo SSI Research, đây là động thái điều chỉnh biên độ lần đầu tiên của NHNN sau gần 10 năm, cũng như là điều chỉnh giá bán tại Sở GDNHNN lần thứ tư liên tiếp trong vòng một tháng qua. Mục đích là để phù hợp với biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VND khi đồng USD liên tục tăng giá trên thị trường thế giới, và NHNN thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tiền Đồng sau sự kiện SCB.

Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại (NHTM) theo đó cũng đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ giao dịch. Tuy nhiên, áp lực vẫn chưa thể hạ nhiệt sớm, và tỷ giá bán tại các NHTM vẫn được niêm yết quanh mức trần giao dịch mới, tương đương với việc VND đã mất giá gần 8,6% so với cuối năm 2021.

Trong khi đó, trong tuần qua, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng cũng nhanh chóng vượt mức giá bán tại Sở GDNHNN và NHNN tiếp tục nâng tỷ giá bán này lên mức 24.870 đồng/USD.

SSI Research cho rằng, việc nới biên độ lên 5% cho phép tỷ giá USD/VND niêm yết tại các NHTM được điều chỉnh linh hoạt hơn so với tỷ giá trung tâm. Trong ngắn hạn, điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi FED thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 4 (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại).

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hơn là có thể xu hướng găm giữ USD đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua khi VND không thể đứng ngoài xu hướng đồng nội tệ mất giá đang lan rộng khắp châu Á. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng tới quý 1/2023, khi đà tăng lãi suất của Fed có xu hướng chậm lại hoặc dừng hẳn, dòng tiền vào Việt Nam thường tăng cao (NHNN thường mua khá nhiều USD cho dự trữ ngoại hối vào quý 1) thì khả năng tỷ giá USD/VND sẽ có thể ổn định hơn.

Đối với áp lực trả nợ nước ngoài, việc tăng giá của USD so với VND được bù đắp bởi sự yếu đi của EUR và JPY so với VND. Do đó, đội ngũ phân tích nhận định dư nợ nước ngoài có thể giảm 2,5% nhờ đóng góp từ tỷ giá.

TÁC ĐỘNG HAI MẶT ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

Theo SSI Research, tính từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 8,6% và điều này gây rủi ro với nhóm doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù, các công ty đã có sự chủ động trong chuẩn bị cho rủi ro tỷ giá bằng việc tham gia các hợp đồng phái sinh (đặc biệt là các ngân hàng), tuy nhiên SSI Research cho rằng một số công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự mất giá mạnh của VND.

Một số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ việc VND mất giá - Nguồn: SSI Research
Một số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ việc VND mất giá - Nguồn: SSI Research

Theo thống kê của SSI, có 16 doanh nghiệp có thể chịu tác động mạnh khi VND giảm giá và lãi suất tăng cao trong thời gian tới.

Với HVN, dư nợ bằng USD tính đến cuối quý 2 đã đạt 22 nghìn tỷ đồng, nghĩa là nếu USD tăng giá 1% có thể dẫn đến lỗ tỷ giá 220 tỷ đồng. Công ty ghi nhận doanh thu bằng USD cho các tuyến quốc tế nên có thể hưởng lợi một phần từ việc USD tăng giá trong dài hạn.

Đối với BSR, dư nợ bằng USD vào cuối quý 2 ở mức 3.000 tỷ đồng, nên việc VND giảm giá có thể khiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 giảm 1%.

Với PLX, dư nợ bằng USD chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng dư nợ của công ty. Với 1% giảm giá của VND sẽ dẫn đến lỗ tỷ giá hối đoái khoảng 50~70 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp ngành dầu khí khác là POW cũng chịu tác động khi VND mất giá. Dư nợ bằng USD ghi nhận con số 2.800 tỷ đồng (tương đương với 119 triệu USD), chiếm 32% tổng dư nợ. USD tăng giá 4,5% trong thời gian từ ngày 30/6 đến ngày 17/10, đã mang lại khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ước tính ở mức 126 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận 67 tỷ đồng lỗ tỷ giá do USD tăng giá 2,2%).

Tương tự, với VIC tại thời điểm cuối quý 2/2022, tập đoàn có 77,4 nghìn tỷ đồng dư nợ bằng USD (chiếm 49% tổng nợ). Mặc dù phần lớn các khoản nợ bằng USD đã được phòng ngừa biến động tỷ giá, SSI cho rằng lợi nhuận năm 2022 của VIC sẽ bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá của VND ở một mức độ nhất định. Bên cạnh đó, lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty do nợ ròng của tập đoàn tính đến cuối quý 2/2022 là 115 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành thép là HPG cũng có thể chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% lợi nhuận sau thuế năm 2022. Bên cạnh đó, lãi suất tăng sẽ tác động tiêu cực đến HPG do dư nợ hiện tại là 25,2 nghìn tỷ đồng tính đến quý 2/2022.

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, SSI cho rằng QTP, PGV, HND, PVD, MSN, VGT, DGW, NVL, PVT, PLC cũng chịu tác động kém tích cực khi VND mất giá.

Một số doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc VND mất giá - Nguồn: SSI Research
Một số doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc VND mất giá - Nguồn: SSI Research

Ở chiều ngược lại, SSI Research nhìn nhận vẫn có một số doanh nghiệp được hưởng lợi khi VND mất giá.

Trong đó, ACV với khoản nợ bằng đồng JPY là 12 nghìn tỷ đồng với lãi suất cố định, trong khi tất cả doanh thu từ hành khách quốc tế của công ty được tính bằng USD, do đó, công ty có thể được hưởng lợi từ việc USD tăng giá. Hơn nữa, vị thế tiền mặt là 33 nghìn tỷ đồng sẽ mang lại lợi thế cho công ty trong môi trường lãi suất tăng.

Với lượng tiền mặt ròng là 7,1 nghìn tỷ đồng, VGI có thể tránh khỏi việc tăng lãi suất cho vay và biến động tỷ giá. Dư nợ bằng USD ghi nhận ở mức 7,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 337 triệu USD), chiếm 90% tổng dư nợ, trong khi Công ty nhận được doanh thu chủ yếu bằng USD. Tóm lại, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã ghi nhận mức lãi thuần từ tỷ giá hối đoái là 246 tỷ đồng do USD tăng giá 2,2%.

GAS có nợ bằng USD được công bố ở mức 3.650 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022 trong khi doanh thu và phần lớn giá vốn hàng bán ghi nhận bằng USD. Do đó, khoản lỗ tỷ giá ròng là không đáng kể. Trong khi đó, với lượng tiền mặt ròng 28,45 nghìn tỷ đồng, công ty có thể hưởng lợi từ việc tăng lãi suất.

Tương tự, FPT có lượng tiền mặt ròng đạt 4.900 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2022 có thể giúp tập đoàn này hạn chế được rủi ro từ việc tăng lãi suất cho vay và biến động tỷ giá. Nhìn chung, tác động của lãi suất cao hơn và tiền đồng mất giá đối với FPT là không đáng kể.

VNM có khả năng hưởng lợi khi công ty nhập khẩu nguyên liệu bằng USD nhưng cũng thu được doanh thu xuất khẩu bằng USD. Dư nợ bằng USD là gần 400 triệu USD vào cuối quý 2/2022 nhưng công ty dần đáo hạn các khoản vay ngắn hạn này để giảm áp lực tỉ giá. Nhìn chung, tác động của việc USD tăng giá là tiêu cực nhẹ, nhưng VNM được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn do VNM có số dư tiền mặt ròng là 13,4 nghìn tỷ đồng tính đến quý 2/2022.

Ngoài các doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp khác như VHC, MSH, IDC, BCM, KBC cũng có thể được hưởng lợi từ sự mất giá của VND.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Sáng 25/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND Thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Chat với BizLIVE