Khoảng cách giữa chỉ số VN-Index và thế giới vẫn khá xa sau tuần giao dịch vừa qua. Trong phiên cuối tuần, chứng khoán Mỹ đã có những nỗ lực hồi phục nhẹ khi S&P 500 và Dow Jones cùng tăng điểm trở lại. Cả 2 chỉ số này đều vẫn giữ được xu hướng tăng ngắn hạn lẫn dài hạn.
Còn tại châu Á, các phiên đi ngang gần đây vẫn chưa khiến các chỉ số như CSI300, TWSE bị đánh mất xu hướng. Đây lại là điều thị trường Việt Nam tỏ ra yếu kém hơn khi hiện đã thủng đường MA20.
Chất xúc tác
Kể từ sau tháng 10/2022, khối ngoại đã luôn hiện diện trên thị trường. Các nhà đầu tư ngoại đã giúp ngăn chặn thị trường giảm sâu khi VN-Index đã giảm 11,59% trong tháng 9 và và 9,2% trong tháng 10.
Nguồn Fiintrade.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước có tháng thứ 4 mua ròng liên tiếp. Tuy nhiên, việc các quỹ ETFs không còn hút được tiền đang khiến cho quy mô mua ròng gần như không đáng kể trong các phiên gần đây.
Sau khi cổ phiếu STB đã chạm trần room sở hữu, hoạt động giải ngân của các quỹ chủ động cũng đồng thời trở nên nhạt nhòa. Ngoài ra, các quỹ chủ động cũng đang giữ tâm lý thận trọng sau khi cơ quan điều tra yêu cầu các CTCK cung cấp số liệu về các giao dịch liên quan đến cổ phiếu EIB trong năm 2022 để điều tra nghi vấn thao túng giá chứng khoán. Hiện Dragon Capital là bên có liên quan tới EIB đồng thời cũng đang là cổ đông lớn của STB.
Vận động nhóm ngành
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng với các cổ phiếu STB và EIB là tâm điểm của sự chú ý bên cạnh các cổ phiếu Chứng khoán. STB (+0,21%) cuối phiên sáng vẫn tăng giá nhẹ nhưng EIB đã giảm 6,54%. Sắc đỏ cũng đang xuất hiện ở MBB (-1,91%), SHB (-2,08%), VIB (-3,33%), ACB (-0,83%)
Trong khi đó, nhóm Chứng khoán đang có VCI (-3,4%), VND (-3,93%), SSI (-2,11%), HCM (-3,6%), FTS (-4,3%)… Toàn bộ nhóm Chứng khoán đều giảm trong phiên sáng nay.
Một thông tin cũng rất đáng chú ý gây ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu Chứng khoán và Ngân hàng là việc Novaland cho biết sẽ tái cơ cấu toàn diện tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào ngày 10/2.
Phản ứng trực tiếp của nhóm cổ phiếu Bất động sản đã được ghi nhận khi NVL và PDR cùng giảm sàn trong khi các mã DIG, GEX, HPX, HBC, DXG, DPG giảm trên 5%. Hiện ông lớn đầu ngành là VHM cũng đang giảm gần 3%.
Ngoài ra, với riêng trường hợp HBC, sau những lùm xùm về tranh chấp của cổ đông, doanh nghiệp này cũng báo lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong quý 4/2022. Thị giá của HBC cuối phiên sáng nay chỉ là 8.390 đồng/cổ phiếu.
Nguồn Fiintrade.
Sắc đỏ phủ 76% số mã trên HOSE, VN-Index tiếp tục giảm 9,89 điểm xuống 1.045,41 điểm. Tổng giá trị giao dịch của phiên sáng chỉ là 4.489 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 1,52% còn UPCoM-Inde bị bóp méo do VNZ (+15%). Thị giá của cổ phiếu VNZ hiện đã lên tới 1.027.400 đồng/cổ phiếu với việc tăng kịch biên độ của UPCoM.