Định vị thị trường
Rủi ro biến động mạnh của chứng khoán Mỹ vẫn chưa xuất hiện khi chỉ số VIX (17,35 điểm) còn đang nằm dưới khoảng biến động thường có 18-35 điểm. Vì vậy, dù các chỉ số chứng khoán nước này đang điều chỉnh nhẹ thời gian gần đây cũng chưa hàm chứa yếu tố rủi ro.
Trạng thái kỹ thuật các chỉ số S&P 500, Dow Jones, Nasdaq đi ngang ngay tại vùng đỉnh của năm 2023 dù cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra sau đây khoảng 3 tuần. Hiện xác suất FED tăng lãi suất thêm 0,25% vẫn đang ở mức cao là 85%.
Hơn 32% các mã trên HOSE có xu hướng tăng dài hạn.
Thị trường Việt Nam vẫn duy trì thể trạng khá yếu nếu so với chứng khoán Mỹ và một số nước khu vực. Sau nhiều nỗ lực, VN-Index chưa thể thành công trong việc chinh phục đường MA200. Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng dài hạn hiện đang là 32% trên HOSE.
Chất xúc tác
Sau phiên đáo hạn phái sinh tháng 4 với thanh khoản yếu kém, dòng tiền được kỳ vọng sẽ quay trở lại một cách tích cực hơn. Quả thật, thanh khoản của HOSE đã có sự cải thiện nhanh khi đạt 553 triệu đơn vị, tương đương 9.674 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dựa trên khối lượng khớp lệnh, quy mô thị trường vẫn đang tiếp tục ở dưới mức bình quân 20 phiên. Qua đó, 5 phiên liên tiếp HOSE đều chỉ giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên.
Theo thống kê, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng hơn 220 tỷ đồng trên HOSE, qua đó tiếp tục có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp. Với khả năng cao FED sẽ tăng lãi suất sau cuộc họp đầu tháng 5, sẽ rất khó để kỳ vọng dòng tiền ngoại có thể tham gia thị trường một cách tự tin.
Vận động nhóm ngành
Thông thường sau các phiên đáo hạn phái sinh, nhóm cổ phiếu VN30 có thể sẽ xuất hiện diễn biến "trả điểm" để cân bằng lại những biến động đã diễn ra trước đó. Tuy nhiên, chỉ số này lại nối dài chuỗi phiên điều chỉnh lên con số 4 khi giảm 0,71% xuống 1.046,18 điểm.
Các cổ phiếu hàng đầu trong rổ như VNM (-1,4%), VCB (-0,9%), VHM (-0,8%), BID (-0,9%), GAS (-0,6%) tiếp tục gây sức ép giảm điểm. Chính vì vậy, VN-Index phần lớn thời gian giao dịch chỉ giao dịch trong sắc đỏ. Mức điểm đóng cửa thậm chí còn gần như thấp nhất, giảm 6,34 điểm xuống 1.042,91 điểm (-0,6%).
Dù nhóm Chứng khoán, Mía đường đã "ngoi" lên khá ấn tượng thì vận động của Bluechips vẫn chi phối nhiều cổ phiếu trên HOSE. Số mã giảm chiếm tỷ lệ 57,5%, lấn lướt so với chiều tăng.
Các mã Bất động sản như NVL (-5,56%), PDR (-2,99%), HDG (-1,6%) buộc phải điều chỉnh. Tương tự nhóm Thép với NKG (-3,4%), TLH (-2,4%), HSG (-2,3%) và các nhóm Đầu tư công, Phân bón.
Với nhóm Chứng khoán và Mía đường, SSI (+2,61%), VND (+1,35%) thực tế vẫn chịu ảnh hưởng từ tâm lý thị trường chung. Chỉ có một số trường hợp như AGR, ORS, VDS, SBT tăng trần với quy mô thanh khoản kém hơn.
Vì vậy, trạng thái thị trường nhìn chung vẫn chưa thực sự ổn định để nhà đầu tư có thể thực sự yên tâm. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số và đã có sự thu hẹp về biên độ giảm.
HNX-Index và UPCoM-Index giao dịch khả quan hơn khi tăng 0,15% và 0,18%. Dù vậy tính chung cả tuần, 2 chỉ số này cũng đều giảm lần lượt 0,16% và 0,89%.