Nền tảng tài chính vững
Báo cáo tài chính riêng sau kiểm toán được Vinaconex công bố mới đây cho thấy, năm 2022, công ty mẹ đạt tổng doanh thu, thu nhập là 8.231 tỷ đồng, đạt 190% so với năm trước. Lợi sau thuế đạt 283 tỷ đồng.
Hợp nhất với các công ty con, công ty liên kết, tổng doanh thu, thu nhập của Tổng công ty đạt 8.452 tỷ đồng. Cộng thêm phần doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.079 tỷ đồng, sau khi trừ đi các loại chi phí, Vinaconex đạt lợi nhuận trước thuế 985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 931 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, Tổng Công ty có 1.710 tỷ đồng tiền mặt, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm còn 1.616 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 31.999 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Thời điểm cuối năm 2021, khi bối cảnh thị trường thuận lợi, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, HĐQT của Vinaconex đã thông qua những mục tiêu sản xuất kinh doanh được đánh giá là khá tham vọng, với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng lần lượt là 243% và 269%; kế hoạch doanh thu và lợi nhuận Công ty mẹ tăng lần lượt là 263% và 119%.
Tuy nhiên, trước những yếu tố khách quan, những khó khăn chung của thị trường xây dựng và bất động sản do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 và những biến động bất thường của tình hình kinh tế chính trị thế giới, Vinaconex đã không cán đích kế hoạch 2022.
Điểm tích cực là khả năng ứng biến và quản trị rủi ro tốt của Tổng Công ty. Lãnh đạo Tổng Công ty đã ưu tiên quản trị điều hành trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn và phát triển bền vững cho toàn hệ thống. Đơn cử như Tổng Công ty chủ động điều chỉnh phương án đầu tư một số dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố bất lợi.
Khởi công cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025
Dù không hoàn thành các chỉ tiêu phát triển tham vọng trong năm 2022, hoạt động SXKD của Tổng Công ty vẫn có lợi nhuận ổn định và đạt mức tăng trưởng cao so với thực hiện năm 2021. Doanh thu hợp nhất và Công ty mẹ năm 2022 tăng tương ứng 52% và 90% so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận hợp nhất năm 2022 tăng 79% so với thực hiện năm 2021.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, bất động sản suy giảm nghiêm trọng hiệu quả hoạt động, thậm chí thua lỗ hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản thì kết quả SXKD mà Vinaconex đạt được trong năm 2022 là một điểm sáng trong bức tranh chung không mấy tích cực của thị trường.
Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng năm 2023
Kế hoạch 2023 được HĐQT của Vinaconex trình cổ đông tại kỳ đại hội thường niên tới đây cho thấy quyết tâm của Tổng Công ty trong việc ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh dù bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao, tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao, môi trường kinh doanh biến động khó lường.
Cụ thể, Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 860 tỷ đồng, bằng 92% so với thực hiện năm 2022.
Có thể thấy ban lãnh đạo Vinaconex đã thận trọng hơn khi đặt mục tiêu cho năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu phục hồi, thị trường tiếp tục biến động khó lường, biên lợi nhuận các hoạt động có khả năng không duy trì được như trước đây, thì mục tiêu lợi nhuận năm nay tỏ ra khá khiêm tốn so với thực hiện năm 2022.
Với riêng công ty mẹ, doanh thu kế hoạch là 10.270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 345 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 22% so với thực hiện năm 2022, cổ tức duy trì 10%, bằng năm 2022.
Theo báo cáo của Ban Tổng Giám đốc Vinaconex, để thực hiện được mục tiêu trên, Vinaconex sẽ tập trung nâng cao vị thế, thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, nhất là các dự án có vốn đầu tư công; nâng cao quản trị hoạt động xây lắp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư đội ngũ xe máy,thiết bị đồng bộ để đủ năng lực thực hiện các dự án xây lắp quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong lĩnh vực đầu tư, nhận định rõ ràng về những khó khăn thách thức của thị trường, Tổng Công ty không thực hiện đầu tư bất động sản dàn trải mà tập trung triển khai các dự án có pháp lý đầy đủ, sản phẩm phục vụ nhu cầu thật của người dân như: Dự án chung cư cao cấp Green Diamond 93 Láng Hạ, Dự án Cát Bà Amatina, Dự án TTTM chợ Mơ, Dự án Km3-Km4 Móng Cái, Dự án khu đô thị đại lộ Hoà Bình – Móng Cái…; đồng thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai thực hiện một số dự án tiêu biểu khác như: Khu đô thị mới Thiên Ân (VINACONEX 25), Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Tuy Hoà, Phú Yên…
Vinaconex cũng tập trung khai thác có hiệu quả các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động: Dự án thủy điện Đăkba, Dự án TTTM chợ Mơ, trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng.
Dự án khu công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công
Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, việc duy trì tỷ lệ sở hữu tuyệt đối hoặc chi phối tại các Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả như điện, nước, giáo dục… đã đem lại nguồn cổ tức cao, ổn định cho Tổng Công ty. Việc Nhà máy thuỷ điện Đăkba với công suất 30MW hoàn thành vượt tiến độ và đi vào phát điện thương mại từ tháng 12/2022 sẽ đem lại nguồn lợi nhuận cao, ổn định cho Tổng công ty trong những năm tiếp theo từ lĩnh vực năng lượng.
Trong định hướng 2023, ban lãnh đạo Công ty cho biết ưu tiên việc chủ động thu xếp nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động đầu tư, kinh doanh; đảm bảo duy trì cơ cấu tài chính khoẻ với nguồn tiền mặt lớn.
Như vậy có thể thấy, với việc quyết liệt tái cấu trúc, tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi là xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính, … Vinaconex là một trong những doanh nghiệp đã vượt bão thành công, luôn chủ động được dòng tiền, liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đón đầu các cơ hội mới.