Tái khởi động kế hoạch chuyển sàn

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo VietBank cho biết, căn cứ vào hoạt động kinh doanh năm 2021, 2022 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ngân hàng đã đáp ứng được các điều kiện về kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính và quản trị điều hành. Theo đó, ngân hàng sẽ tiến hành chuyển sàn niêm yết sang HOSE, thay vì trên UpCOM hiện nay. Kế hoạch này cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Tuy nhiên, hết năm 2023, VietBank vẫn chưa thể thực hiện việc chuyển sàn như dự tính, mà theo lý giải của ban lãnh đạo ngân hàng, nguyên nhân là do thị trường trong nước có nhiều biến động.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, kế hoạch chuyển sàn niêm yết tiếp tục được đưa vào chương trình để đại hội phê duyệt. Theo lãnh đạo ngân hàng, việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang HoSE là cần thiết đối với VietBank  để mở ra cơ hội huy động thêm vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nâng cao thanh khoản cổ phiếu cũng như thương hiệu trên thị trường.

Dù vậy, đến nay, khi “deadline” đang đến gần nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin liên quan đến việc chuyển sàn được VietBank công bố.

Vietbank được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Tháng 7/2019, cổ phiếu VBB chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trải qua 18 năm, VietBank vẫn thuộc nhóm ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống. Hiện nay, vốn điều lệ của nhà băng này đang là 4.777 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, VietBank cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (đã được NHNN phê duyệt) với tổng vốn tăng thêm là 1.003 tỷ đồng.

Hiện VietBank đã hoàn tất chào bán hơn 100,3 triệu cổ phiếu và đang thực hiện các thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận sửa đổi giấy phép. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý II và III/2024.

Đồng thời, trong năm nay, VietBank dự kiến phát hành gần 144,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%, với tổng mệnh giá phát hành gần 1.445 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế để lại đến ngày 31/12/2023. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2024.

Nếu hoàn tất thủ tục chỉnh sửa giấy phép và phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của VietBank sẽ đạt gần 7.210 tỷ đồng.

 

Về cơ cấu sở hữu, hiện nay các cổ đông là tổ chức trong nước đang nắm giữ 69,5% vốn điều lệ tại VietBank, 30,5% còn lại do các cổ đông cá nhân nắm giữ.

Theo báo cáo quản trị 2023, nhóm cổ đông của gia đình Chủ tịch VietBank đang sở hữu 11,73% vốn điều lệ VietBank. Trong đó, ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch HĐQT nắm 3,36%, ông Dương Ngọc Hòa (cha ông Dương Nhất Nguyên) nắm 4,55% vốn, con gái Dương Mai Anh nắm 2,1% và Dương Bảo Anh nắm 1,7%.

Đầu tháng 1/2024, ông Dương Nhất Nguyên đã thực hiện mua thêm 7 triệu cổ phiếu VBB, nâng sở hữu từ 16,05 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,36% lên 23,05 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,83%.

VietBank đang kinh doanh ra sao?

Năm 2024, VietBank đề ra 2 kế hoạch kinh doanh gồm mục tiêu cơ sở và mục tiêu phấn đấu.

Với mục tiêu cơ sở, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 950 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả 2023, nhưng đi ngang so với kế hoạch năm vừa qua.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng tăng 5% so với đầu năm lên mức 145.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 8% lên 110.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay tăng 11% lên mức 90.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%.

Đối với kế hoạch phấn đấu, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 29% lên mức 1.050 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và dư nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 14% và 18%, lên mức 118.000 tỷ đồng và 95.000 tỷ đồng.

Đồng thời, VietBank đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản tăng lên 170.000 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 là 135.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng là 110.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ muốn tăng lên 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE cố gắng nâng lên trên 11%.

Dù vậy, kết quả kinh doanh trong quý đầu tiên của năm không mấy khả quan khi VietBank ghi nhận lãi trước thuế chỉ đạt 73,4 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 57,4 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.

Nếu so với mục tiêu phấn đấu kỳ vọng đạt 1.050 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm, Vietbank mới thực hiện được 7% sau 3 tháng đầu năm.

Theo giải trình từ phía VietBank, lợi nhuận sụt giảm nguyên nhân chủ yếu từ các khoản mục thu nhập lãi thuần gần 450 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ do lãi suất liên ngân hàng giảm nên nguồn thu nhập lãi từ thị trường 2 mang lại thấp hơn.

Dù vậy, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng lại ghi nhận kết quả khả quan so với cùng kỳ với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 33,8 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ chủ yếu tăng từ nguồn thu nhập nghiệp vụ thanh toán quốc tế, dịch vụ ngân hàng số.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của VietBank cũng tăng 63% so với cùng kỳ lên 21 tỷ đồng do nắm bắt được cơ hội kinh doanh khi tỷ giá biến động.

Nhờ tận dụng cơ hội trên thị trường trái phiếu Chính phủ nên hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đem về cho ngân hàng khoản lãi hơn 9 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của VietBank đã tăng lên gần 350 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 7% so với cùng kỳ chủ yếu do tăng chi phí bảo hiểm tiền gửi, chi phí đầu tư tài sản.

Trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietBank đã tăng 4,3 lần so với cùng kỳ lên hơn 90 tỷ đồng do dư nợ cho vay quý I/2024 tăng. Điều này khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của VietBank ghi nhận ở mức gần 138.858 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 81.488 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt gần 93.437 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.