Thống kê cho thấy, kể từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có tới 29 lần hạ lãi suất điều hành. Ba lần NHNN công bố hạ lãi suất điều hành gần đây nhất là ngày 30/09/2020, 14/03/2023 và 31/03/2023, trong đó ngày 31/03/2023 Nhà điều hành công bố hạ lãi suất tái cấp vốn 0,5%, ngày 14/03/2023 công bố hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, ngày 30/09/2023 NHNN đồng loạt hạ cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 0,5%.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BSC, ở thời điểm hiện tại, một loạt các chỉ số đang cho thấy nền kinh tế vẫn cần một chính sách tiền tệ nới lỏng. Cụ thể, trong tháng 4/2023, CPI của Việt Nam chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ, CPI lõi tăng 4,56% so với cùng kỳ, cả hai đã đạt đỉnh từ tháng 1/2023 và vẫn duy trì đà đi xuống cho đến hiện tại.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, thấp hơn các quý 1 trong giai đoạn 2019 – 2022. Hoạt động sản xuất đình trệ với chỉ số PMI tháng 4/2023 đạt 46,7, liên tục ở dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 11/2022 (ngoại trừ tháng 2/2023 đạt 51,2 khi hoạt động sản xuất trở lại sau Tết).
Chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2023 là -1,76% so với cùng kỳ. Tăng trưởng sản xuất kinh doanh yếu đi trong năm 2023 chủ yếu đến từ khu vực xuất khẩu đình trệ khi cầu thế giới suy giảm.
Tỷ giá USD/VND ở mức ổn định. Tính đến 30/4/2023, tỷ giá VND/USD tăng 2,14% so với cùng kỳ, giảm từ mức đỉnh 5,21% hồi tháng 1/2023. Hiện tại, swap giữa VND và USD vẫn đang ở mức âm, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Như vậy, rủi ro dòng vốn ngoại nóng chảy ra khỏi nền kinh tế khi lãi suất USD cao hơn cũng giảm đi so với giai đoạn trước.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát dần ổn định là dấu hiệu cho chính sách tiền tệ hướng về tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia BSC nhận định.
Theo chuyên gia, việc hạ lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nhiệp. Trong khi, đối với người tiêu dùng, họ có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn khi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng, giảm lãi suất nên là ưu tiên cần tính toán vào thời điểm này.
Theo chuyên gia, dù lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu vẫn đang ở mức cao nhưng đối với Việt Nam lại không đáng ngại. Ba tháng đầu năm, cung tiền chỉ tăng khoảng 0,8%, nghĩa là hoàn toàn không có áp lực lên lạm phát lõi. Bên cạnh đó, giá hàng hóa cơ bản như năng lượng, than, xăng dầu, nông sản trên thế giới đang có xu hướng giảm.
TS. Tú Anh nhấn mạnh, để kiểm soát lạm phát thì chính cung tiền, chứ không phải tăng trưởng tín dụng, là yếu tố quan trọng trong điều hành. Hơn thế, để giảm được lãi suất, thì thanh khoản của nền kinh tế phải đủ lớn. Trong khi, một tín hiệu rất tích cực là trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã mua được lượng lớn ngoại tệ đưa vào hệ thống dự trữ (khoảng hơn 6 tỷ USD), nhờ vậy thanh khoản của nền kinh tế tốt hơn, dư địa giảm lãi suất tăng.
Về việc thực hiện giảm lãi suất, hầu hết các nhà phân tích thị trường đều thống nhất, NHNN có thể cân nhắc giảm thêm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tới dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023 và xác suất cao là ngay đầu quý 3.
Theo đó, lãi suất cho vay cầm cố trên thị trường mở - lãi suất đóng vai trò tham chiếu trên thị trường tiền tệ, cũng có khả năng giảm theo.
Củng cố cho nhận định này, mới đây, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ rằng, NHNN sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành. NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.