Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 sáng 18/5, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điểm sáng về chuyển đổi số, đứng thứ tư về xếp hạng về chuyển đổi số quốc gia, thứ nhất về an toàn thông tin; 99% hồ sơ dịch vụ công xử lý trực tuyến được xử lý trực tuyến và hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, trên 50% các nhiệm vụ được giao trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đã được NHNN hoàn thành, kết nối và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số có một nội dung quan trọng là quản trị số, dùng công nghệ số để quản trị tổ chức, quản trị ngành.
Phân tích rõ hơn, ông Hùng cho biết, quản trị truyền thống trên môi trường thực thì tiền kiểm, dựa trên báo cáo nhiều còn quản trị số trên môi trường số thì chủ yếu hậu kiểm vì các nhà quản lý nhìn thấy tức thời mọi hoạt động. Theo đó, quản trị số sẽ giúp giảm việc cấp dưới phải báo cáo cấp trên vì dữ liệu của các cấp đã có sẵn trên môi trường số.
“Chuyển đổi số của chúng ta chưa nhấn mạnh đến quản trị số và điều này cần phải được thay đổi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hùng, ngành ngân hàng có hai loại tài sản lớn, trong đó, một loại đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền và một loại chưa được khai thác hết công suất là dữ liệu.
“Dữ liệu là một loại tài nguyên mới. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất và nguồn dữ liệu này vẫn đang được tăng lên từng ngày. Ngành ngân hàng nếu “canh tác” tốt trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho đất nước. Dữ liệu được đánh thức cũng giống như con hổ được đánh thức sẽ tạo ra những đột phá cho ngành ngân hàng, trở thành ngành đi đầu trong phân tích dữ liệu lớn”, người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng Hùng gợi mở, NHNN có thể cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ tiêu chí đo lường mức độ chuyển đổi số, tiến hành đo lường và công bố hàng năm để thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số.
Thông tin tại sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.
Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư, cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư.
Thống đốc cho biết, hiện nay nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
Đáng chú ý, khoảng 74,63% người trưởng thành hiện nay đã có tài khoản ngân hàng, 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.