Từ chứng khoán đến nông nghiệp: Đế chế kinh doanh của ông chủ SSI
Dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Duy Hưng, SSI đã trở thành công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam, trong khi PAN Group cũng vươn lên thành một thế lực đáng kể trong ngành nông nghiệp.
Trên thương trường, tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng gắn liền với vai trò là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT của SSI - công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ông cũng là người đứng sau thành công của Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) và Công ty TNHH Đầu tư NDH (NDH Invest).
Trong lĩnh vực chứng khoán, nếu như SSI là doanh nghiệp đầu ngành xét cả về vốn điều lệ (gần 18.130 tỷ đồng) lẫn quy mô tổng tài sản (hơn 66.180 tỷ đồng, tính đến cuối quý III/2024), thì trong lĩnh vực nông nghiệp, PAN Group cũng là cái tên được nhắc đến nhiều với sức tăng trưởng mạnh mẽ và chiến lược M&A khác biệt.
PAN Group có tiền thân là Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN Pacific) được thành lập năm 1993 với số vốn vài chục triệu đồng. Đây là doanh nghiệp gắn bó với ông Nguyễn Duy Hưng từ những ngày đầu khởi nghiệp và hiện đang là công ty liên kết của SSI (tính đến ngày 30/6/2024 SSI đang sở hữu gần 26,6 triệu cổ phiếu PAN, tương ứng 12,73% vốn).
PAN Pacific ban đầu hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và ghi dấu ấn với hai thương vụ nổi tiếng là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), PAN Pacific bị ảnh hưởng lớn do không có khách hàng và phải chuyển hướng thành công ty chuyên cung cấp dịch vụ lau chùi và quét dọn chuyên nghiệp. Đến năm 2013, doanh nghiệp này thêm một lần nữa có thay đổi bước ngoặt sang lĩnh vực nông nghiệp.
Sự chuyển hướng này dường như đã được chuẩn bị từ trước, khi SSI đã có khoảng thời gian khá dài đầu tư vào nông nghiệp thông qua các danh mục chứng khoán. Bên cạnh đó, các danh mục liên kết của SSI, bao gồm các khoản đầu tư của cá nhân Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng, Công ty Quản lý Quỹ SSI, NDH Invest cũng cho thấy các doanh nghiệp nông nghiệp là một lựa chọn đầu tư giá trị.
Ngay sau khi chuyển hướng chiến lược, PAN đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A các doanh nghiệp nông nghiệp trong hai năm 2013-2015. Trong đó, nổi bật là đầu tư vào Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC), Công ty Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty bánh kẹo Bibica (BBC), Công ty Điều Long An (LAF), Công ty Aquatex Bến Tre (ABT).
Cuối năm 2018, PAN Group đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 20% vốn góp tại Công ty TNHH Dịch vụ Xuyên Thái Bình (PAN Pacific) và 20% vốn góp tại Công ty TNHH Dịch vụ Liên Thái Bình (PAN Pacific Services), qua đó chính thức rút chân khỏi lĩnh vực vệ sinh công nghiệp.
Sau khi thoái vốn tại mảng dịch vụ, PAN còn hai mảng chính gồm Farm và Food với mục tiêu hàng đầu là hướng đến tạo ra một hệ thống nền tảng trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, để hoàn thiện chuỗi giá trị khép từ sản phẩm đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F gồm Farm-Food-Family (trang trại - thực phẩm - gia đình).
Với chiến lược M&A táo bạo, đến hết quý III/2024, hệ thống của PAN được nâng lên 9 công ty con sở hữu trực tiếp và 22 công ty con sở hữu gián tiếp.
Trong đó, 9 công ty con do PAN Group sở hữu bao gồm: Công ty CP PAN Farm, Công ty CP Thực phẩm PAN (Pan Food), Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Công ty CP Thức phẩm An Khang, Công ty CP Cà phê Golden Beans, Công ty CP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre, Công ty CP Bibica và Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang.
Thông qua các công ty con PAN Group cũng đang sở hữu gián tiếp nhiều công ty đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp như Công CP Khử trùng Việt, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam,…
Đáng chú ý, không giống như các “ông lớn” khác có thể gặp khó khăn khi đầu tư dàn trải khiến giá trị các công ty đầu tư không đạt kỳ vọng, hầu hết các doanh nghiệp mà PAN thực hiện M&A đến nay đều tăng trưởng khá ổn định và bền vững, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của tập đoàn này.
Theo đó, doanh thu của PAN từ mức chỉ hơn 600 tỷ đồng năm 2013 đã vượt 1.100 tỷ vào năm 2014 và gần như tăng trưởng liên tục lên mức hơn 13.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 (tăng hơn 21 lần). Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng gấp 38 lần từ mức 21 tỷ đồng năm 2013 lên con số kỷ lục 817 tỷ đồng vào năm 2023.
Với đà tăng trưởng này, PAN tiếp tục đặt mục tiêu phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024 với doanh thu dự kiến 14.780 tỷ đồng và lãi sau thuế 882 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 8% so với năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 11.921 tỷ đồng và lãi sau thuế 720 tỷ đồng, hoàn thành trên 80% kế hoạch năm.
Tại thời điểm cuối quý III, quy mô tài sản của PAN Group đạt trên 23.700 tỷ đồng, tăng hơn 3.500 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh hơn 3.500 tỷ đồng lên gần 11.500 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản. Phần lớn khoản đầu tư này đang được doanh nghiệp rót vào chứng khoán kinh doanh (hơn 10.500 tỷ đồng, tăng 3.900 tỷ đồng so với đầu năm).
Dù không thuyết minh rõ đang đầu tư vào đâu nhưng con số trên hầu như không có quá nhiều thay đổi so với số liệu đã công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã kiểm toán. Theo đó, khoản đầu tư lớn nhất của PAN (10.570 tỷ đồng) nằm ở các chứng chỉ tiền gửi.
Việc tăng tiền đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của công ty đến cuối quý III âm gần 4.200 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 5.800 tỷ). Để bù đắp dòng tiền, trong 9 tháng năm 2024, công ty đã đi vay hơn 15.000 tỷ đồng và trả nợ gốc vay hơn 11.600 tỷ đồng. Đến cuối quý III, tổng nợ vay của công ty xấp xỉ 12.460 tỷ đồng, tăng gần 39% so với đầu năm, chủ yếu do nợ vay ngắn hạn tăng 3.668 tỷ lên 12.047 tỷ.
Có thể thấy, việc PAN Group rót lượng tiền lớn vào chứng chỉ tiền gửi không phải là điều quá bất ngờ khi doanh nghiệp này cùng nằm trong hệ sinh thái đầu tư do ông Nguyễn Duy Hưng và hai người em trai điều hành. Trong đó, SSI cũng đang đầu tư gần 21.000 tỷ đồng vào các chứng chỉ tiền gửi (tại thời điểm cuối quý III/2024).
Và khi nhắc đến hệ sinh thái do 3 anh em ông Hưng tạo lập cũng không thể không nhắc đến NDH Invest - công ty chuyên đầu tư vào các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính, chứng khoán, nông nghiệp, thực phẩm và công nghệ sinh học.
Công ty này nắm giữ gần 151,5 triệu cổ phiếu SSI (tỷ lệ 8,356%) và vừa thực hiện quyền mua thêm hơn 12,6 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mới đây, nâng sở hữu lên 164,1 triệu đơn vị và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, NDH Invest cũng đang nắm giữ hơn 23,8 triệu cổ phiếu PAN (tỷ lệ 11,41% vốn).
Trước đây, SSI và các đơn vị thành viên như SSIAM, PAN Group hay NDH Invest… đều do ông Nguyễn Duy Hưng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật nhưng từ giữa năm 2020, ông Hưng bắt đầu rút khỏi vị trí điều hành tại 2 đơn vị và trao quyền cho 2 người em trai là Nguyễn Hồng Nam và Nguyễn Mạnh Hùng.
Tương tự, vị trí Tổng Giám đốc của NDH Invest sau đó cũng được giao cho ông Nguyễn Duy Khánh, con trai của ông Hưng đảm nhiệm. Ông Khánh hiện cũng là Thành viên HĐQT của Chứng khoán SSI và PAN Group. Vị lãnh đạo này đang nắm giữ hơn 4,5 triệu cổ phiếu SSI (tương đương tỷ lệ 0,232% vốn) và 251.562 cổ phiếu PAN (0,12%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng trực tiếp nắm giữ gần 15,2 triệu cổ phiếu SSI (tỷ lệ 0,773%) và hơn 1,2 triệu cổ phiếu PAN (tỷ lệ 0,59%). Ông Nguyễn Hồng Nam sở hữu 2,65 triệu cổ phiếu SSI (tỷ lệ 0,135%) và ông Nguyễn Mạnh Hùng nắm giữ hơn 10,4 triệu cổ phiếu SSI (tỷ lệ 0,532%).
Ngoài ra, Công ty TNHH Bất động sản Sài Gòn Đan Linh do ông Nguyễn Hồng Nam sở hữu 75% vốn điều lệ cũng đang nắm giữ gần 76,6 triệu cổ phiếu SSI (3,9%) và gần 5,8 triệu cổ phiếu PAN (2,77%). Trong khi, Công ty TNHH MTV Nguyễn Sài Gòn do ông Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch đang nắm giữ 3,25 triệu cổ phiếu SSI (0,166%) và 3,67 triệu cổ phiếu PAN (1,76%). Còn SSI như đã đề cập ở trên, đang sở hữu gần 26,6 triệu cổ phiếu PAN (12,73% vốn).
Như vậy, các thành viên trong gia đình ông Hưng và các công ty liên quan hiện đang nắm giữ tổng cộng gần 277 triệu cổ phiếu SSI, tương đương hơn 14% vốn điều lệ và gần 38 triệu cổ phiếu PAN, tương đương hơn 29,7% vốn.