Vị thế đầu ngành

Ngành chứng khoán Việt Nam sắp đón tuổi 28 vào ngày 28/11 tới đây. Đi cùng với sự phát triển của thị trường không thể thiếu dấu chân của những thành viên thị trường như SSI, HSC, VND, Vietcap… Trong đó, SSI là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu với nhiều đóng góp, trong chặng đường gần 3 thập kỷ của thị trường.

Được thành lập vào ngày 30/12/1999, SSI là CTCK tư nhân đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam với vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng. Và ngay trước khi sắp bước sang tuổi 25, vốn điều lệ của SSI chuẩn bị được nâng lên gần 19.645 tỷ đồng với một đợt phát hành cổ phiếu mới.

SSI và bài toán của “người khổng lồ” chứng khoán Việt Nam
Vốn điều lệ của các CTCK cuối quý III/2024.

Công ty này vẫn tiếp tục có được sự ủng hộ từ cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản Daiwa Securities sau hơn 16 năm đồng hành. Bất chấp các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt thoái vốn khỏi các thị trường chứng khoán bao gồm cả Việt Nam, Daiwa Securities vẫn tham gia mua mới hơn 23 triệu cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ sở hữu lớn nhất trong cơ cấu cổ đông (15,36%).

Thương hiệu SSI không chỉ được thừa nhận từ các định chế quốc tế, mà còn thể hiện qua những thành tựu khác trong quá trình phát triển. Đó là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” vào tháng 12/2020. Là công ty chứng khoán đầu tiên đạt quy mô vốn hóa 1 tỷ USD vào tháng 05/2021. Và là công ty chứng khoán duy nhất nằm trong rổ VN30.

Tính đến hết phiên giao dịch 13/11/2024, quy mô vốn hóa của cổ phiếu SSI đã tiệm cận mốc 2 tỷ USD và là một trong những chỉ báo có tính tham khảo trong việc ra quyết định và giao dịch của nhiều nhà đầu tư.

Thách thức chuyển đổi

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của SSI đạt 6.308 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.988 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 80% và 88% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông 2024 thông qua.

Tại thời điểm 30/9/2024, Chứng khoán SSI có tổng tài sản 66.181 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt gần 24.114 tỷ đồng.

Dù là “người khổng lồ” trong ngành chứng khoán, SSI cũng đang phải đối diện với những bài toán riêng của người dẫn đầu. Nếu như mảng tự doanh được duy trì hiệu quả và an toàn thì Công ty đang gặp phải áp lực cạnh tranh lớn từ các đối thủ trong mảng môi giới.

SSI và bài toán của “người khổng lồ” chứng khoán Việt Nam

Tới thời điểm hiện tại, SSI đã có 15 quý liên tiếp đứng thứ nhì về thị phần môi giới trên HOSE, sau VPS. Trong khi đó, các CTCK khác như TCBS, Vietcap, HSC cũng đang quyết liệt cạnh tranh thị phần môi giới.

Thực tế, chiến lược kinh doanh của các đối thủ trong ngành đã chuyển hướng với trọng tâm là hoạt động cho vay thay vì nguồn thu từ môi giới. Các CTCK như TCBS, FTS, MBS, DNSE, Pinetree đều đã áp dụng chính sách "zero fee" trong khi VPS, Mirae thực hiện chi trả hoa hồng với tỷ lệ cao.

SSI và bài toán của “người khổng lồ” chứng khoán Việt Nam
Nguồn thu từ hoạt động môi giới của CTCK đang suy giảm trái ngược với lãi thu từ cho vay liên tiếp lập kỷ lục (Số liệu tổng hợp 33 CTCK cuối quý III/2024)

Trong các ĐHĐCĐ thường niên gần đây, cổ đông vẫn thường chất vấn ông Nguyễn Duy Hưng và ban lãnh đạo SSI về chiến lược cạnh tranh của Công ty. Mặc dù, không theo đuổi mở rộng thị phần bằng mọi giá nhưng Công ty cũng đang dần phải thích nghi với xu thế mới.

Một số chương trình ưu đãi phí với các khách hàng mở mới đã được Công ty đưa ra. Cùng với đó, Chứng khoán SSI cũng đẩy mạnh tăng vốn để đảm bảo khả năng cho vay theo kịp với nhu cầu khách hàng và bù đắp lại nguồn thu từ môi giới chứng khoán.

SSI và bài toán của “người khổng lồ” chứng khoán Việt Nam
Các CTCK Mirae Asset Vietnam, HSC đang có dự nợ cho vay xấp xỉ SSI vào cuối quý III/2024.

Một trong những trọng điểm được ban lãnh đạo SSI đặt ra là dư nợ cuối năm 2024 đạt 20.000 tỷ đồng. Công ty từng chinh phục mốc này vào quý II/2024 vừa qua, nhưng với bối cảnh kém thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam, dư nợ đã thu hẹp trong quý III/2024 xuống 19.500 tỷ đồng, xấp xỉ các đối thủ trong ngành như HSC, Mirae Asset.

Mục tiêu này có thể sẽ phải gác lại khi thị trường chứng khoán hiện vẫn đang gặp nhiều bất lợi trong giai đoạn cuối năm 2024. Tuy nhiên, kỳ vọng nâng hạng thị trường lên mới nổi vẫn còn đó, khi cơ quan quản lý đang thúc đẩy những giải pháp tháo gỡ các nút thắt.

Thông tư 68 được Bộ Tài chính ban hành gần đây giúp “cởi trói” nút thắt Pre-funding sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ 100%. Đội ngũ nhân sự của SSI đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo và góp ý. Ngoài ra, SSI cũng là một trong những đơn vị có thể hưởng lợi với thị phần giao dịch lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài.