Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong tháng 7 đạt giá trị cao nhất kể từ đầu năm và đây cũng là tháng xuất khẩu tôm ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 2 năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành hàng Tôm VASEP cho biết, tại thị trường Mỹ, lượng hàng tồn kho tại nước này đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ như doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Tôm đông lạnh vẫn là mặt hàng dẫn đầu trong top các sản phẩm bán lẻ bán chạy nhất tại Mỹ. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ dự kiến vẫn tăng trong quý III và giá tăng nhẹ kể từ tháng 7 trở đi”, bà Kim Thu nói.
Nhận định về thị trường xuất khẩu tôm, ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa Seafood cho rằng, từ nay đến cuối năm thị trường thế giới có nhu cầu khá cao về lượng tiêu thụ tôm. Tuy nhiên, do tình hình giá tôm trong quý II khá thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động thả nuôi của bà còn nông dân, làm cho sản lượng tôm trong nước thấp hơn so với nhu cầu của thị trường.
Trong quý III, giá tôm nguyên liệu đang có chiều hướng tăng trở lại, sẽ kích thích người nông dân tăng diện tích sản xuất, tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao vào các tháng cuối năm.
Lượng tồn kho thủy sản của các nước nhập khẩu giảm khá nhiều và theo thông lệ hàng năm các nhà mua quốc tế đang bắt đầu chu kỳ nhập hàng mới. Do vậy, từ nay đến cuối năm nhu cầu thị trường sẽ ấm dần lên, hiện các doanh nghiệp đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, tuy nhiên, giá thành tôm Việt Nam đang khá cao so với các nước khác nên chịu sức ép cạnh tranh rất lớn trên thị trường toàn cầu, và để thu hút nhà nhập khẩu lựa chọn doanh nghiệp nào đó mua hàng thì tên tuổi và thương hiệu của công ty mới là vấn đề quan trọng.
Theo đại diện Anh Khoa Seafood, lợi thế cạnh tranh của tôm Việt từ nay đến cuối năm là nguồn cung và chất lượng sản phẩm. Giá tôm trên thị trường được cải thiện người nông dân sẽ tăng sản xuất, và nguồn nguyên liệu cũng sẽ tăng lên đáp ứng nhu cầu chế biến cho các nhà máy, đẩy mạnh xuất khẩu vào các tháng cuối năm, mang con tôm Việt đến gần với nhiều người tiêu dùng quốc tế.
“Khách hàng quốc tế đã mặc định giá thành luôn đi đôi với chất lượng, tôm Việt Nam nói chung và của Anh Khoa Seafood nói riêng luôn đạt chất lượng cao nên có giá thành cao. Để chinh phục thị trường, công ty đang đẩy mạnh tiếp thị hình ảnh sản phẩm đến người mua quốc tế các mặt hàng giá trị gia tăng, mang tính đặc trưng của Việt Nam. Với cách làm này, hy vọng trong thời gian tới xuất khẩu hàng giá trị gia tăng của công ty sẽ tăng cao”, Tổng giám đốc Anh Khoa Seafood chia sẻ.
Trong khi có nhiều doanh nghiệp chọn các thị trường xa như Mỹ, EU thì thị trường xuất khẩu chính của Anh Khoa Seafood là khu vực châu Á, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm gần 70% lượng hàng xuất khẩu của công ty.
Để tăng xuất khẩu vào các thị trường này, Anh Khoa Seafood vẫn đang kết nối và tiếp thị với nhiều khách hàng lớn, nhất là các nhà nhập khẩu Trung Quốc, Hàn Quốc... vì nơi đây có hệ thống logistics thuận lợi hơn so với các thị trường khác.
“Xuất khẩu vào thị trường gần có hệ thống logistics thuận lợi nên vòng quay hàng hóa sẽ nhanh hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Mỹ hay Bắc Mỹ có thời gian đi từ 35-40 ngày cho một chuyến hàng. Vòng quay hàng hóa nhanh thì vòng vốn cũng sẽ nhanh hơn, giúp giảm bớt áp lực tài chính và lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột chính trị như hiện nay”, ông Trần Anh Khoa nói.