
Tại cuộc họp báo chiều ngày 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.
Theo Nghị định 72, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, theo đó, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Gần nhất giá điện được điều chỉnh vào ngày 11/10/2024, duy trì từ đó cho đến nay. Như vậy, sau 8 tháng giá mới được thay đổi và đây là lần tăng đầu tiên trong năm nay.
6 tháng đầu năm 2024, EVN từng lỗ hơn 13.000 tỷ đồng, tuy nhiên, sau đợt tăng giá vào tháng 10/2024, EVN chính thức thoát lỗ. Thời điểm này, lãnh đạo EVN cho biết, điều chỉnh giá điện không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn.
Trong năm 2023, EVN lỗ đến 34.245 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, số lỗ sau khi trừ thu nhập tài chính khác ở mức 21.822 tỷ đồng. Năm 2022, EVN cũng báo lỗ gần 36.300 tỷ đồng.
Theo EVN, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
Về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...
Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hoá lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.