Tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp

"Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, để vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm", Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất thiết thực và quyết liệt.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5 và cho biết, chính sách hạ lãi suất cho doanh nghiệp cũng là một trong 8 chính sách mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023.

Theo Phó thống đốc, căn cứ kết quả đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, từ đầu năm đến nay NHNN đã có hai lần giảm lãi suất điều hành để tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.

"Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước - cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường - mức giảm lãi suất tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%", Phó Thống đốc thông tin.

Phó thống đốc cho biết thêm, hiện theo thống kê, những khoản tiền gửi mới có lãi suất bình quân là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); trong khi lãi suất bình quân cho vay khoảng từ 9-9,2%. "Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất khá tích cực trong thời gian vừa qua", Phó thống đốc đánh giá.

Về kỳ vọng giảm lãi suất với doanh nghiệp, Phó thống đốc cho hay, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Trong đó, điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Theo Phó thống đốc, thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm lãi suất.

Ngoài ra, tại hội nghị ngày 25/4 vừa qua, để triển khai Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, NHNN cũng đặt ra vấn đề với các ngân hàng còn cho vay cao.

"Một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất. Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình và có tính thống nhất chung", ông Tú nói.

Theo lãnh đạo NHNN, sắp tới, cơ quan này sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trước đó, chủ trì cuộc họp hôm 25/4 với các ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu ngành ngân hàng "bằng nhiều biện pháp giảm lãi suất huy động và cho vay", trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền. Việc ngân hàng hạ lãi suất đầu vào - đầu ra cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại yêu cầu NHNN cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; trước mắt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.

Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa còn khá lớn khi dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, so với Nghị quyết Đại hội XIII là 60% và 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 50% và 45% GDP.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Các cổ phiếu Ngân hàng đã phá kỷ lục giá giờ ra sao?

Các cổ phiếu Ngân hàng đã phá kỷ lục giá giờ ra sao?

Nhóm Ngân hàng đã có 7 mã phá kỷ lục giá và 1 mã "suýt" lập kỷ lục trong 4 tháng đầu năm 2024. Sau nhịp giảm khá sâu vừa qua, việc xem xét tình trạng của các cổ phiếu này cũng như cả nhóm ngành sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan hơn về khả năng tạo đáy của thị trường sau kỳ nghỉ lễ.

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ROE đạt tới 26,7% cao trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng trả cổ tức năm 2023 lên tới 30% gồm tiền và cổ phiếu.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE