Sự phối hợp giữa Ngân hàng và VHM tiếp tục được duy trì. VHM đang có phiên tăng giá thứ 4 trong khi các mã Ngân hàng khác cũng kịp thời triệt tiêu các diễn biến điều chỉnh nhẹ của VCB.
Định vị thị trường
Sau khi FED tăng lãi suất, đến lượt một số ngân hàng trung ương thế giới cũng tăng lãi như Anh tăng 0,25%, Thụy Sĩ tăng 0,5%. Chứng khoán châu Âu không phản ứng tiêu cực trong khi đó các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong đêm qua. Chỉ số S&P đã tăng 0,3% và vẫn giữ được xu hướng tăng dài hạn trong khi NASDAQ là chỉ số tích cực nhất và đã trở lại vùng đỉnh tháng 2 năm nay.
Với chứng khoán châu Á, sau kỳ tăng lãi suất của FED, vẫn đang cần những đánh giá về khủng hoảng hệ thống ngân hàng cùng với đó là việc tăng trưởng toàn cầu chậm đi.
Các diễn biến trái chiều xuất hiện và nhóm các thị trường hàng đầu như NIKKEI 225 (-0,28%), CSI 300 (-0,27%), KOSPI (-0,64%) đều giảm nhẹ. VN-Index dù đã có một phiên quay đầu tăng điểm để lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn nhưng trạng thái vẫn khá chênh vênh.
Chất xúc tác
Trợ lực của khối ngoại vẫn được duy trì khi cả 3 phiên vừa qua, họ đều mua ròng. Phiên hôm qua, thậm chí còn là phiên mua ròng tốt nhất kể từ đầu tuần này, đạt trên 300 tỷ đồng. Nhờ có tiền ngoại nên các cổ phiếu trụ cột như VHM, VNM, HPG mới có thể giúp chỉ số quay đầu tăng điểm.
Theo thống kê của Fiingroup, từ ngày 15/3 cho đến trước phiên hôm nay, quỹ FUBON ETF đã hút ròng gần 1,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 26% giá trị dự kiến của đợt huy động vừa qua. Phiên hôm qua, quỹ đã nhận thêm 159,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiền nội các phiên gần đây lại đang khá thụ động. Bất chấp có sự hậu thuẫn của khối ngoại hay các diễn biến hạ lãi suất, các gói tín dụng được nhóm Ngân hàng nhà nước tung ra, quy mô thanh khoản của thị trường vẫn chưa được cải thiện. Trong 6 phiên gần nhất, thanh khoản của HOSE đều chỉ dưới mức bình quân 20 phiên, đặc biệt 3 phiên vừa qua thanh khoản còn thu hẹp hơn. Điều này đang khiến cho các cơ hội giao dịch phân tán và không ổn định.
Vận động nhóm ngành
Sau 3 phiên tăng giá, VHM vẫn là một trong những đầu tàu kéo điểm cho thị trường. Cổ phiếu này đã có sự kiểm tra khá tốt với lực cung T+2 ở phiên chiều qua nhờ sự tham gia của tiền ngoại. Theo thống kê, khối ngoại đã mua ròng VHM hơn 200 tỷ đồng trong 3 phiên vừa qua và chiều mua luôn chiếm tỷ trọng chi phối hơn 50% giá trị giao dịch.
Nhiều khả năng, VHM vẫn có thể duy trì đà tăng trong một vài phiên tới để hướng đến vùng 50.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, thị trường vẫn sẽ có sự hậu thuẫn để duy trì vận động tích cực. Cuối phiên sáng nay, VHM giao dịch tại 48.600 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu Ngân hàng khác như HDB (+3,1%), MBB (+2,3%), STB (+1,4%), TCB (+1,3%), OCB (+1%) cũng thể hiện được sự ủng hộ với thị trường. Nhóm đang giúp cho những động thái điều chỉnh nhẹ của VCB (-1,1%), SHB (-0,48%), CTG (-0,7%) không bị cụ thể hóa vào vận động của thị trường.
VCB dù sao cũng đã có 3 phiên tăng liên tiếp và việc giảm giá nhẹ trong sáng nay cũng là những phản ứng thông thường khi quay lại vùng đỉnh cũ.
Trong khi đó, SHB cũng vừa có một phiên tăng giá gần 3% với khối lượng giao dịch cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Ngân hàng này đang có một loạt các sự kiện đáng chú ý như việc được 2 ETFs VanEck và FTSE mua vào 22 triệu cổ phiếu ở tuần trước. Cùng với đó, ngay đầu tuần này, SHB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã ký thỏa thuận tín dụng với IFC gói vay trị giá 120 triệu USD.
Ngoài nhóm Ngân hàng, một số nhóm ngành như Đầu tư công, Khu Công nghiệp cũng đang có hiệu ứng lan tỏa khá tốt. Các cổ phiếu HHV (+1,15%), VCG (+3,3%), FCN (+2,6%), LCG (+1,6%), KBC (+2,25%), GVR (+2,7%), IJC (+1,6%), VGC (+1,74%) đã tạo đà ở phiên sáng nay.
Nếu như biên độ của VN-Index được nới rộng hơn trong chiều nay, các cổ phiếu kể trên hoàn toàn có thể sẽ là những điểm thu hút được dòng tiền.
Trạng thái thanh khoản đã ghi nhận dấu hiệu khá tích cực khi đạt hơn 4.100 tỷ đồng, xấp xỉ mức bình quân 2 tuần trở lại đây. VN-Index tạm dừng phiên sáng tăng 1,7 điểm lên 1.046,8 điểm. Còn 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 1,08% và 0,13%.