Ngày 20/5, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) công bố nghị quyết của hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua việc chuyển nhượng dự án và các tài sản khác ở nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 của Quốc Cường Gia Lai và nhà máy Thủy điện Ayun Trung thuộc công ty con - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường (do Quốc Cường Gia Lai nắm 90% vốn) nhằm mục đích tái cơ cấu đầu tư. Thời gian thực hiện chuyển nhượng trong quý II, quý III năm nay.
Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai dự kiến chuyển nhượng nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 với giá 235 tỷ đồng. Dự án có công suất 7,5 MW (gồm hai tổ máy), nằm ở xã Ia Tô, Ia Grawng, Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Còn nhà máy thủy điện Ayun Trung dự kiến được chuyển nhượng với giá 380 tỷ đồng. Dự án này có công suất lắp máy 13 MW, có địa chỉ tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Như vậy, tổng giá trị chuyển nhượng của hai nhà máy thuỷ điện là 615 tỷ đồng. Bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của cả hai nhà máy thủy điện tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của Bộ Luật lao động.
HĐQT giao cho bà Nguyễn Thị Như Loan, người đại diện pháp luật công ty thương thảo và ký các hồ sơ liên quan để hoàn tất việc chuyển nhượng.
Đáng chú ý, quyết định bán 2 dự án thủy điện của Quốc Cường Gia Lai diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan. Quý I/2024, doanh thu của công ty chưa đến 39 tỷ đồng, giảm gần 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán điện là nguồn thu chính với 22,6 tỷ đồng, còn mảng kinh doanh chủ lực là bất động sản thì lại sụt giảm 95% so với cùng kỳ, chỉ đem về 6,6 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn 651 triệu đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp cũng chỉ lãi sau thuế hơn 3 tỷ đồng, bằng 10% của năm liền trước.
Tại thời điểm 31/3/2024, nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai là hơn 5.161 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 4.304 tỷ đồng, chiếm tới 83%. Quá nửa trong số đó là khoản tiền 2.882,8 cần phải trả cho Công ty CP Đầu tư Sunny Island - doanh nghiệp có liên quan tới đại án Vạn Thịnh Phát trong thỏa thuận chuyển nhượng dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, công ty còn có hơn 570 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, khoản nợ dài hạn gần 258 tỷ đồng vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai được công ty thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 là để tài trợ cho hai dự án thủy điện muốn chuyển nhượng ở trên.
Theo đó, Quốc Cường Gia Lai đang có khoản vay 101 tỷ đồng để tài trợ dự án thủy điện Ia Grai 2 và khoản vay 198 tỷ đồng để tài trợ dự án thủy điện Ayun Trung. Hai khoản vay này sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 4 và tháng 6 năm 2029. Tính đến ngày 31/3/2024, tổng giá trị 2 khoản vay đang là 299 tỷ đồng, chiếm 52% tổng nợ vay của Quốc Cường Gia Lai tại cùng thời điểm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt 9.515 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, lượng tiền mặt còn vỏn vẹn 29,7 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của Quốc Cường Gia Lai là hàng tồn kho với 7.033 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại khoản mục bất động sản dở dang (6.525 tỷ đồng).
Tại báo cáo tài chính quý I/2024, Quốc Cường Gia Lai không thuyết minh chi tiết tồn kho thuộc dự án nào. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, bất động sản dở dang của Quốc Cường Gia Lai chủ yếu nằm tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, Lavida, Central Premium và Marina Đà Nẵng...