ANV lấy lại xu hướng tăng dài hạn khi vượt qua đường MA200
Trong số những cổ phiếu có mức tăng vượt trội so với VN-Index, ANV cũng góp mặt với thành tích tăng 4,32%. Mức tăng không lớn nhưng đây lại là tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp của ANV. Tính chung trong 3 tuần, cổ phiếu ANV đã tăng gần 11% lên 37.400 đồng/cổ phiếu.
Xét về trạng thái kỹ thuật, khởi đầu chuỗi tuần tăng giá trên, ANV hiện đã lấy lại xu hướng tăng dài hạn khi vượt qua được đường MA200 sau khoảng 15 tháng đánh mất xu hướng.
Trước mắt, sẽ có những trở ngại xuất hiện tại vùng giá 37.500 đồng/cổ phiếu sau khi cổ phiếu đã có 3 tuần tăng liên tiếp. Điều chỉnh có thể xuất hiện với ANV nhưng chuỗi vận động trong các phiên điều chỉnh sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá về khả năng đi tiếp của cổ phiếu này. Đây có thể là bài test nhẹ nhưng lại rất cần thiết với những nhà đầu tư đang nắm giữ ANV.
Tất nhiên, cũng không thể loại trừ kịch bản ANV sẽ nối dài đà tăng như một số cổ phiếu HPG, PGD, CNG. Theo thống kê, HPG, PGD đã có tới 6 tuần tăng liên tiếp trong khi CNG đã có tới 9 tuần tăng giá liên tiếp. Để làm được điều này, dòng tiền tại ANV sẽ cần phải chứng minh một cách mạnh mẽ.
Ngành Thủy sản có thể đã chạm đáy lợi nhuận giai đoạn đầu năm
Trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 800 triệu USD (-21%), trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD (-18% so với cùng kỳ nhưng tăng +3% so với tháng trước) và 156 triệu USD (giảm 26% và giảm 2% so với tháng trước).
Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2023 lần lượt đạt 1,6 tỷ USD (-31%) và 885 triệu USD (-38%). CTCK SSI chưa nhận thấy dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc do tình trạng lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, SSI ước tính giá bán trung bình của tôm và cá tra sang Mỹ lần lượt đạt 10,6 USD/kg (-12%) và 3,5 USD/kg (-26%). Theo Agromonitor, sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm -50% và -31% trong nửa đầu năm 2023.
Về nguyên liệu đầu vào, SSI quan sát thấy sự sụt giảm giá tôm và cá nguyên liệu (20% giá vốn hàng bán) lần lượt là -9% và - 4%, trong khi giá thức ăn thủy sản vẫn ở mức cao.
Giá thức ăn thủy sản bình quân đạt đỉnh vào tháng 5/2023 là 14.900 đồng/kg và các công ty thức ăn chỉ bắt đầu giảm giá thức ăn thủy sản từ tháng 6/2023 (khoảng 300 đồng/kg).
Như vậy, giá thức ăn thủy sản vẫn cao hơn 8% trong 6 tháng đầu năm 2023. Do giá thức ăn chăn nuôi chiếm 60% giá vốn hàng bán, cùng với giá bán bình quân của ngành giảm trong nửa đầu năm 2023, SSI tin rằng hầu hết các công ty sản xuất trong ngành đều có tỷ suất lợi nhuận thu hẹp, nhưng lợi nhuận có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 (lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ, nhưng khó có thể lặp lại trong quý tới), đặc biệt khi quý 2/2022 ghi nhận mức nền lợi nhuận cao nhất.
Mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, SSI tin rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm: (i) giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); (ii) chi phí vận chuyển giảm.
SSI ước tính ANV có thể đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt là 4,9 nghìn tỷ đồng (+1%) và 465 tỷ đồng (-31%).
Trong năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+8%) và 611 tỷ đồng (+32%), với kỳ vọng xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý 4/2023 hoặc đầu năm 2024.