Cổ phiếu tăng gần 52% từ đầu năm 2023
Trong khi thị trường dành khá nhiều sự chú ý cho các cổ phiếu hút tiền của nhóm Dầu khí như PVS và PVD, từ đầu năm đến nay cổ phiếu PVC của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí cũng đã tăng gần 52%.
Quy mô vốn hóa của PVC là kém xa so với PVS và PVD khi cả 2 cổ phiếu này đang được thị trường định giá ở mức 13.000-15.000 tỷ đồng. Hiện giá trị vốn hóa của PVC chưa đến 1.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, thanh khoản bình quân 20 phiên gần nhất của PVC cũng chỉ xấp xỉ 2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch dưới 40 tỷ đồng.
Dù vậy, PVC vẫn thể hiện được sức hút với một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù thị trường đang phải trải qua giai đoạn rung lắc, PVC vẫn giữ vững các trạng thái kỹ thuật. Nếu có thể bứt phá khỏi vùng giá 18.500 đồng/cổ phiếu, thậm chí cổ phiếu còn khả năng phá đỉnh của năm 2023.
Loạt dự án thượng nguồn có thể đưa PVC trở lại thời "hoàng kim"
Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVC) có hoạt động cốt lõi là hóa kỹ thuật/dung dịch khoan, sau hơn 30 năm PVC đã phát triển đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực dịch vụ - kinh doanh - sản xuất; cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho ngành công nghiệp dầu khí (tìm kiếm, thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu…) và các ngành công nghiệp khác. Công ty hiện có thị phần trên 80% trong lĩnh vực dung dịch khoan trong nước và trong giai đoạn trước năm 2016 lĩnh vực này đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho PVC.
Với đặc thù của loại hình dịch vụ phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch khoan của các nhà thầu (như Vietsovpetro, PVEP, Đại Hùng POC, Phú Quý POC, Trường Sơn JOC, Lam Sơn JOC, Idemitsu, PVEP POC) giai đoạn từ 2015 trở đi khi hoạt động thăm dò và khai thác khâu thượng nguồn ngành Dầu khí trở nên ảm đạm, lợi nhuận PVC theo đó cũng đã giảm sút nghiêm trọng.
Các mảng hoạt động khác chỉ có thể giúp PVC duy trì tình hình kinh doanh có lãi. Ngoài mảng “cung cấp dung dịch khoan”, các hoạt động khác của PVC có thể kể đến như sản xuất và kinh doanh hóa chất phục vụ lĩnh vực hóa dầu, hóa chất các ngành công nghiệp như xi khác măng, sản xuất oxy già, nhựa đường biến tinh (bitumen), CO2… hoạt động này trong năm 2022 đã mang lại cho PVC 2.954 tỷ đồng doanh thu và 27,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST). Tuy nhiên so với kết quả thực hiện giai đoạn trước 2016 với mức LNST từ 100 – 200 tỷ đồng thì mức lãi năm 2022 rất khiêm tốn.
Theo CTCK Mirae Asset Vietnam (MAS), loạt dự án lớn khâu thượng nguồn sẽ là yếu tố quan trọng giúp công ty trở lại thời “hoàng kim”. Trong năm 2023 khâu thượng nguồn ngành dầu khí đã có những thông tin rất quan trọng đó là việc triển khai dự án Lạc Đà Vàng và khả năng siêu dự án Lô B – Ô Môn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng và triển khai từ cuối 2023.
Các dự án này có thể mang lại khối lượng công việc lớn cho khâu thượng nguồn và từ đó giúp mảng “cung cấp dung dịch khoan”của PVC hoạt động trở lại, đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ 2023 trở đi.
Năm 2023, PVC đưa kế hoạch kinh doanh khá tương đồng với kết quả thực hiện năm 2022 với mức doanh thu 2.500 tỷ đồng và LNST 29,4 tỷ đồng. MAS cho rằng kế hoạch trên dựa giả định mảng “cung cấp dung dịch khoan” vẫn đang thiếu việc. Tuy nhiên, PVC có thể sẽ có hợp đồng cung cấp “dung dịch khoan” trong năm 2023 từ dự án Lạc Đà Vàng và ghi nhận doanh thu 3.500 tỷ đồng, LNST tương ứng 68 tỷ đồng.