Thị trường đóng cửa phiên thứ 6 tuần qua ở mức 1.090,84 điểm, tăng 12,45 điểm tương ứng với 1,15%. Đây có thể nói là phiên tăng tốt và có mức lan tỏa rộng tới thị trường khi có tới 245 mã tăng điểm, 150 mã giảm điểm.
Thanh khoản thị trường tăng đột biến chính là yếu tố đáng chú ý nhất. Cụ thể, thanh khoản đạt 18.349 tỷ đồng, đạt kỷ lục từ đầu năm đến nay. Trong đó năm cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất là SSI, MBB, SHB, VND và STB.
Liệu thị trường có đủ sức duy trì đà tăng và bứt phá lên các mốc cao hơn? Giao dịch bán ròng của khối ngoại có đáng e ngại? Chúng tôi ghi nhận ý kiến một số chuyên gia:
Sẽ chinh phục các ngưỡng cao 1.200 điểm và 1.300 điểm
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)
Tôi cho rằng việc thị trường tăng tốt và chinh phục lại ngưỡng 1.090 điểm là dễ hiểu trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần hạ trần lãi suất gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 6 tháng từ 6% xuống chỉ còn 5%. Điều này gián tiếp giúp cho lãi suất gửi tiết kiệm 1 năm giảm xuống còn 7,5 - 9% thay vì 9 - 11% như trước.
Dòng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc phải tìm kênh đầu tư mới và hiệu quả hơn. Trong khi bất động sản vẫn đang khá trầm lắng, dòng tiền gửi tiết kiệm sẽ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn, giúp thanh khoản cũng tăng lên nhanh chóng. Đồng thời dòng vốn này cũng sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn giá rẻ để hoạt động. Vì vậy, việc chinh phục ngưỡng 1.090 điểm mới chỉ là bắt đầu cho việc sẽ chinh phục các ngưỡng cao hơn như vùng 1.200 điểm và 1.300 điểm sắp tới.
Xu hướng tăng điểm của thị trường gần như là hiện hữu trong thời gian tới, khi lãi suất gửi tiết kiệm không còn cao như trước, một lượng tiền đáo hạn bắt buộc phải tìm kênh đầu tư mới. Theo đó, sẽ có sự chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như trái phiếu, vàng, bất động sản hoặc chứng khoán. Trong khi trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể lấy lại được niềm tin từ nhà đầu tư hay vàng đang trong xu hướng giảm, bất động sản thì dự kiến tới quý 4/2024 mới có thể phục hồi. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho ngành chứng khoán là ở thời điểm hiện tại, khi mà nhà nước bắt đầu có các động thái hạ lãi suất điều hành cũng như hạ trần lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng từ 6% xuống còn 5%.
Tôi tin rằng sắp tới nhà đầu tư chứng khoán sẽ có nhiều trái ngọt khi dòng tiền chảy vào thị trường một cách ồ ạt.
Chắc chắn là đã đến lúc nhà đầu tư phải nâng dần tỷ trọng cổ phiếu. Nhất là trong giai đoạn chính sách vĩ mô đang đảo chiều. Khi chính sách tiền tệ đảo chiều, việc tăng dần tỷ trọng vào các tài sản rủi ro (như chứng khoán, trái phiếu) sẽ có lợi hơn.
Thời điểm này, tôi cho rằng nên tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Thị trường sẽ còn được hỗ trợ bởi các thông tin lợi nhuận trong quý 3/2023 sẽ tăng trưởng tốt từ vùng nền lợi nhuận quý 3/2022 thấp. Đây chính yếu tố quan trọng để thị trường tiếp tục tăng đến các ngưỡng 1.200 điểm và 1.300 điểm trong năm 2023.
Lực đỡ dòng tiền cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, CTCK Maybank Investment Bank (MSVN)
Thị trường bắt đầu tăng từ cuối tháng 4 đầu tháng 5, điểm tích cực thị trường duy trì tốt kể cả trong giai đoạn lắng lại ở giữa tháng 5 cũng không thấy dấu hiệu sụt giảm như giai đoạn trước. Trước đây, thị trường tăng mạnh nhưng khi điều chỉnh làm mất hết thành quả tăng trước đó.
Điểm nhấn nhà đầu tư nên quan tâm trong khoảng thời gian thị trường tăng vừa rồi là điểm số tăng đi kèm thanh khoản mở rộng, là điểm khác biệt so với những lần tăng trước.
Điểm nhấn thứ hai, nhìn về dòng tiền có sự tham gia rõ nét của dòng tiền trong nước. Dòng tiền cá nhân trong nước có kết quả mua ròng rõ nét liên tục các tuần qua. Đây là lực đỡ quan trọng cho thị trường thời gian qua.
Có nhận định, sau giai đoạn mặt bằng lãi suất cao, khi lãi suất hạ dòng tiền có sự dịch chuyển từ kênh huy động trở lại thị trường chứng khoán. Có thể nhà đầu tư cá nhân trong nước bắt đầu nhìn nhận triển vọng thị trường có “lối ra” nên dòng tiền đón đầu vào thị trường.
Thêm nữa, suốt 1 tháng qua, xét về chính sách vĩ mô chúng ta liên tục có tín hiệu cho thấy Chính phủ đang quan tâm nhiều hơn việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi quý 1 tăng trưởng kém và khả năng con số quý 2 cũng thấp. Hầu hết chính sách gồm cả tiền tệ và tài khóa đều ưu tiên hàng đầu cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là điểm thuận lợi cho thị trường, ít nhất về tâm lý, nhà đầu tư cảm thấy thuyết phục hơn để quay trở lại.
Một số lo ngại cho rằng dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tham gia thường không bền vững. Quan điểm của tôi, tính chất nhà đầu tư cá nhân thời gian qua khi tham gia thị trường không đến từ nhà đầu tư F0, thiếu kinh nghiệm, vốn là nhóm bị tổn thương nặng và chưa sẵn lòng tham gia lại. Mà dòng tiền cá nhân đến từ nhà đầu tư có kiến thức, có kinh nghiệm, họ đã “cảm” được thị trường có “cửa” để trở lại, có sự cân bằng. Đó là yếu tố nâng đỡ thị trường tốt giai đoạn vừa rồi.
Về thế giới, những lo ngại dần được xử lý. Vấn đề trần nợ công của Mỹ đã được cởi bỏ trong tuần rồi giúp tâm lý nhà đầu tư tốt hơn. Hay lo ngại về tăng trưởng Trung Quốc với chỉ số PMI không quá tiêu cực; vấn đề FED tăng lãi suất cũng nghiêng hướng ôn hòa hơn.
Tôi cảm nhận tình hình thế giới đang ổn định hơn, tuy không hẳn quá tốt. Trong khi Việt Nam ở nền đang thấp hơn, trong nước theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, nước ngoài lại tương đối sóng yên biển lặng, là môi trường tương đối tốt để thị trường chứng khoán hồi phục.
Nên chuyển hướng đầu tư nền tảng thay vì đầu cơ
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Cần lưu ý thị trường xảy ra tình trạng phân hóa, luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu. Đầu tuần, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cuối tuần nhóm này chịu áp lực bán, điều chỉnh, dòng tiền chuyển qua cổ phiếu lớn, nhất là ngân hàng.
Tôi cho rằng, phiên đầu tuần thị trường chịu áp lực điều chỉnh khi VN-Index đối mặt với vùng cản gần nhất là 1.095 -1.100 điểm. Tại vùng cản này, áp lực điều chỉnh phần lớn ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khi nhóm này tăng nóng vừa qua. Tuy nhiên áp lực điều chỉnh không phải rủi ro lớn mà chỉ mang tính cơ cấu lại danh mục, dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn.
Trong thời điểm tới liệu thị trường có dòng tiền lớn gia nhập chứng khoán hay không? Tôi cho rằng có thể. Sau kết thúc quý 2 có thể xu hướng thị trường rõ ràng hơn, bức tranh rủi ro 2022 dần qua đi, chứng khoán có thể hồi phục trong bối cảnh các NHTW chững lại chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN lại có khuynh hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và hàng loạt chính sách tài khóa đang được đưa ra để kích thích tăng trưởng kinh tế. Đó là những động lực khiến dòng tiền gia tăng cuối năm. Tuy nhiên, chứng khoán hiện ở giai đoạn đầu hồi phục sau giai đoạn suy thoái kể từ tháng 4/2022 sẽ hồi phục với tình trạng phân mảnh nhóm ngành.
Ngắn hạn cần lưu ý khả năng cao có nhịp điều chỉnh nhưng lại là cơ hội cơ cấu lại danh mục. Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có nền tảng cơ bản thay vì tiếp tục đầu cơ.
Với khối ngoại, vài tháng gần đây họ gia tăng bán ròng khiến giá trị mua ròng từ đầu năm bị thu hẹp lại. Tuy nhiên cần nhìn nhận khối bán vì mục đích gì? Họ quan ngại rủi ro chính trị, vĩ mô hay cơ cấu lại danh mục? Quan sát cho thấy nhà đầu tư nước ngoài bán để cơ cấu lại danh mục. Nhìn vào động thái giao dịch họ bán ra 2 nhóm là ngân hàng và hóa chất. Trong 2023 và còn tiếp diễn tới đầu 2024, hai nhóm này đối mặt với tình hình khó khăn vì kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn sau giai đoạn tăng trưởng nóng 2020-2021. Ngược lại, khối này mua ròng nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải.