"Tái sinh" loa phường ở Hà Nội thời 4.0 sẽ đổi khác?

Công nghệ có thể giúp “nâng tầm” loa phường, nhưng vẫn có quan ngại phiền toái, người dân tiếp nhận thụ động và thiếu tương tác, thông tin một chiều...
Loa phường gây ám ảnh cho nhiều người dân Hà Nội (Ảnh minh họa)
Loa phường gây ám ảnh cho nhiều người dân Hà Nội (Ảnh minh họa)

Để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tại 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố...

Kế hoạch về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 do UBND TP Hà Nội vừa ban hành gây nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Khi phải nghe thụ động...

Đón thông tin trên, anh Lê Điệp (Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Loa phường ở đầu ngõ, cách khá xa nhà tôi nhưng thỉnh thoảng vẫn gây phiền toái bởi phát thanh quá sớm. Nếu loa phường trở lại với các khung giờ như trước, tôi cho rằng không mang lại hiệu quả truyền tải thông tin. 6h sáng là lúc nhiều người đang ngủ còn 16-17h chiều đa số vẫn chưa đi làm về. Vì thế, tôi tin rằng loa phường sẽ phải hoạt động khác trước. Thời gian phát thanh hợp lý, nội dung thông tin thiết thực, cô đọng. Biên tập viên tin bài cần chỉn chu, giọng đọc truyền cảm thay vì “oang oang” như trước”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thắng (Long Biên, Hà Nội) đặt vấn đề: “Loa phường truyền đạt về các nghị quyết, thông tư rất dài, rồi tới cả nội dung các cuộc họp xã phường, chuyện gia đình văn hoá, tổ dân phố sạch đẹp… Thời đại này chỉ cần gửi qua tin nhắn, email, Zalo, Facebook… mọi người đều dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu kỹ càng những thông tin mình quan tâm thay vì phải thụ động nghe tất cả nội dung”.

Anh Nguyễn Thắng cũng kể rằng trước đây từng có tình trạng loa phường bị người dân bức xúc ném vỡ, như một cách để phản ứng hình thức tuyên truyền này...

Loa phường cần được nâng cấp khi được khôi phục

Loa phường cần được nâng cấp khi được khôi phục

Bên cạnh đa số ý kiến “ngán ngẩm” với loa phường, một số người cho rằng “nên có”.

Anh Tạ Hải Tùng (Hà Nội) chia sẻ: “Loa phường có ích vì thông tin khá cô đọng như yêu cầu đăng ký tuổi 17, khám nghĩa vụ quân sự, tiêm vaccine cho trẻ em, nhắc các cụ lấy lương hưu, gọi các cháu học sinh đi sinh hoạt hè, tiêm phòng dại vật nuôi... Nhu cầu chính quyền cơ sở thông báo đến dân là có và không phải ai cũng biết website, không phải ai cũng dùng điện thoại thông minh để vào tra cứu. Nhiều nơi tổ trưởng dân phố vẫn đi nhắc từng nhà, tốn công lại không hiệu quả”.

Dù vậy, anh Tùng cho rằng “giai đoạn khó chịu là sau này phát nhạc, rồi đọc lại cả thời sự VTV trong khi thiết bị xuống cấp, nhiễu, rè gây đau đầu, đặc biệt buổi sáng sớm. Vì thế, tôi nghĩ khôi phục loa phường cũng được, nhưng chỉ sử dụng để thông báo khi thực sự cần thiết thôi”.

Trong khi đó, không ít người sống ở chung cư tỏ ra bàng quan với thông tin “loa phường sống lại”. Chị Yến Phạm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi ở chung cư nên không để ý đến loa phường. Ở chung cư vẫn có hệ thống loa, phát nhạc nhẹ và chỉ đọc thông báo khi cần như nhắc diễn tập báo cháy, nhắc tham gia hoạt động cộng đồng, thông báo của toà nhà...”.

Số hóa, nhưng vẫn chỉ thông tin một chiều...

UBND TP Hà Nội cho biết để “chuyển đổi số” loa phường, đến năm 2025, các đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Những đài truyền thanh này sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Theo các chuyên gia, đây có thể là công nghệ tự tạo âm thanh từ văn bản thông qua tổng hợp tiếng nói. Công nghệ liên quan đến lập trình ngôn ngữ tư duy, vì thế, phải thu thập dữ liệu ngữ âm để phát thanh ngôn ngữ nói.

Anh Tạ Hải Tùng gợi ý: “Hà Nội nên làm một ứng dụng, myHanoi chẳng hạn. Có cơ sở dữ liệu dân cư rồi, định danh xác thực điện tử sắp hoàn thiện, gắn thông báo với dịch vụ công”.

Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định: “Loa phường là thông tin một chiều. Nếu chỉ dùng loa phường, sự tương tác của người dân với chính quyền không có và cần phương tiện khác.

Hiện nay, các phương tiện online qua Internet bùng nổ. Số lượng người dân dùng smartphone rất lớn nên việc tương tác giữa chính quyền và người dân nên tận dụng phương thức này. Điều này tạo ra sự tiện lợi, nhanh chóng và đem đến hiệu quả cao hơn”.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE