Định vị thị trường
Vẫn chưa thể tìm thấy sự bất ổn từ biến số thế giới trong những ngày cận kề kỳ họp của FED. Số liệu CPI từ Mỹ trong tháng 5 còn cho thấy lạm phát Mỹ tháng 5/2023 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với con số 4,9% của tháng 4/2023.
Đây là tiền đề để nhà đầu tư tại Mỹ và toàn thế giới đang đặt cược vào khả năng lãi suất sẽ được giữ nguyên. 2 chỉ số chứng khoán mạnh nhất châu Á là NIKKEI 225 và TWSE tiếp tục gây ngỡ ngàng về sức mạnh. Thành tích của NIKKEI 225 hiện đã lên tới 28,4% còn TWSE là 22%.
VN-Index trong tuần đáo hạn phái sinh và cơ cấu ETFs đang chịu những vận động khó lường của Bluechips. Sau những phiên kéo ngược thì phiên hôm nay, nhiều mã lại khiến chỉ số bị hụt hẫng.
Chất xúc tác
Nếu theo dõi vận động của tiền ngoại, phiên hôm qua đã có chuyển biến đáng chú ý. Khối ngoại đã mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp nhưng với giá trị ròng tốt hơn nhiều 2 phiên trước đó. Thậm chí, phiên hôm nay, giá trị giải ngân còn gấp hơn 3 lần đạt 604 tỷ đồng. Qua đó, trong vòng 4 phiên liên tiếp, khối ngoại đã mua ròng gần 900 tỷ đồng chỉ tính riêng HOSE.
Theo thống kê, HPG (+205 tỷ đồng) là nhân tốt chủ chốt bên cạnh SSI (+95 tỷ đồng), VND (+80 tỷ đồng), CTG (+73 tỷ đồng), MSN (+70,1 tỷ đồng), HSG (+70 tỷ đồng).
Khá nhiều mã theo thống kê có quy mô mua ròng xấp xỉ nhau cho thấy có sự tham gia của các quỹ ETFs. Điều này cũng đang khá trùng hợp với việc quỹ VNM và FUEVFVND nhận được tiền ở phiên hôm qua. Theo thống kê, FUEVFVND đã nhận được 7,7 triệu USD còn VNM là 2,7 triệu USD.
Sự bổ trợ của tiền ngoại xuất hiện vào đúng thời điểm tiền nội chịu tác động từ đáo hạn phái sinh và cơ cấu ETFs. Nhờ đó, khớp lệnh vẫn có phiên thứ 2 duy trì trên mức bình quân 20 phiên. Phiên 12/6, thị trường đã bị hụt dưới mức này.
Vận động nhóm ngành
Lẽ ra trong bối cảnh Bluechips khó lường thì nhóm Midcap và Penny cần phải thể hiện được sự độc lập trong các chuyển động. Tuy nhiên, cả 2 nhóm này đều bị "khựng" lại. Phiên hôm qua, dù VN-Index tăng điểm thì nhiều mã vẫn xuất hiện áp lực điều chỉnh.
Điều này tiếp diễn trong phiên hôm nay khi cả HOSE số lượng mã giảm còn áp đảo với độ rộng sắc đỏ gấp hơn 2 lần sắc xanh. Một loạt cổ phiếu như HSG, CII, VGC, ASM, DCM, DGW, HAG, CTD, HAH, ITA, LCG, VHC giảm trên 2%.
Các mã tăng trên 2% chỉ là nhóm thiểu số: SHB (+2,45%), VSC (+6,17%), TCM (+3,4%) trong số các mã ghi nhận được sắc xanh.
Việc VN30 đảo chiều giảm thậm chí còn xuất hiện trễ so với hiện tượng giảm giá của nhóm Midcap và Penny. Chỉ trong phiên ATC, các mã MWG (-2,2%), HPG (-1,3%), STB (-1,4%), MSN (-1%), TCB (-0,6%) mới đồng loạt gây sức ép khiến chỉ số đảo chiều. Chỉ số VN-Index giảm 0,45% xuống 1.117,42 điểm. Thanh khoản sàn đạt 928,59 triệu đơn vị, tương đương 17.130 tỷ đồng.
Tạm thời, vẫn có thể kỳ vọng những rung lắc nhẹ sẽ sớm qua đi bởi nền tảng thị trường vẫn được giữ vững. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cuối phiên giảm nhẹ, lần lượt là 0,58% và 0,21%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.900 tỷ đồng.