Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng đi xuống trong quý đầu năm là sự sụt giảm lợi nhuận của mảng tín dụng và tăng trích lập chi phí dự phòng. Báo cáo cho thấy, thu nhập lãi thuần kỳ này chỉ đạt 9.062 tỷ đồng, giảm 11,4% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, phần lớn các mảng kinh doanh phi tín dụng lại ghi nhận kết quả khá tích cực với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 37,1% so với cùng kỳ, đạt 945 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 24,5%, đạt 461 tỷ đồng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gần 61%, lên 217 tỷ đồng. Riêng mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận lợi nhuận gấp tới 26 lần cùng kỳ, đạt gần 965 tỷ đồng.
Thu nhập hoạt động kinh doanh khác và góp vốn, mua cổ phần của MB lần lượt giảm 22% và 52,4% so với cùng kỳ, đạt 364 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.
Nhờ sự tăng trưởng từ các mảng kinh doanh ngoài lãi, tổng thu nhập hoạt động của MB đã nhích nhẹ 0,7%, đạt 12.017 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động giảm 1,5%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 8.502 tỷ đồng, tăng 1,7%. Tỷ lệ chi phí/thu nhập của ngân hàng được cải thiện nhẹ từ 29,9% quý I/2023 xuống còn 29,2% trong quý I/2024.
Dù vậy, trong quý này, chi phí dự phòng của ngân hàng đã tăng 46,4% so với cùng kỳ, ở mức 2.707 tỷ đồng đã kéo lùi lợi nhuận trước thuế.
Việc ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng diễn ra trong bối cảnh số dư nợ xấu của ngân hàng đã tăng tới 56% chỉ sau ba tháng đầu năm, lên 15.294 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 5 tăng gấp đôi lên 6.048 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó tăng lên 2,49%, so với mức 1,6% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm từ mức 117% xuống còn 80,1%.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của MB đạt 900,6 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm. Trong đó, sự sụt giảm chủ yếu diễn ra ở số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giảm 82%), chứng khoán kinh doanh (giảm 30,9%) và chứng khoán đầu tư (giảm 5,7%). Cho vay khách hàng vẫn tăng nhẹ 0,7%, lên 615.317 tỷ đồng trong khi tiền gửi khách hàng giảm 1,5%, phát hành giấy tờ có giá giảm gần 19%.
Tính đến cuối quý I/2024, số lượng nhân viên của MB là 16.326 người, nhích nhẹ so với cuối năm 2023. Chi phí trung bình cho một nhân viên trong quý I/2024 giảm 4,2% so với cùng kỳ xuống 42,4 triệu đồng/người/tháng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức mới đây, cổ đông MB đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%, con số cụ thể theo đó dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Lý giải con số tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch ngân hàng cho biết, trong năm 2023, NIM toàn ngành giảm, do đó dự kiến sẽ tác động đến 2024. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng dự kiến vẫn ở mức thấp.
"Tốc độ tăng trưởng quý 1 hàng năm thường ở mức 5-6% nhưng tới thời điểm này mới chỉ tăng 0,23%. Điều này cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm trong khi NIM giảm, áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên, do đó để an toàn, chúng tôi quyết định đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 6-8%, phấn đấu có thể đạt 10% trong năm nay", ông Thái nói.
Trong giai đoạn từ 2024 đến 2029, MB kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, trung bình khoảng 12%/năm.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,23 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024 và đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029.
Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn, trong khi mục tiêu trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.
Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15% đến 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tín dụng trung bình đi lên 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.
Tới cuối năm 2024, MB đặt mục tiêu thu hút 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến là 10 - 20%, trong khi trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm.
Kịch bản này chưa tính đến trường hợp MB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung ĐHĐCĐ sau khi có quyết định của Chính phủ và NHNN.