Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 36,53 điểm (0,09%) lên 39.164,33 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 5,16 điểm (0,09%) lên 5.483,06 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 53,53 điểm (0,30%) lên 17.858,68 điểm.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ được công bố sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ quý I được điều chỉnh tăng nhẹ từ 1,3% lên 1,4%. Chuyên gia Sam Stovall của tổ chức nghiên cứu CFRA Research nhận định thị trường đang khá lưỡng lự trong việc đưa ra đánh giá trước khi dữ liệu PCE thực tế được công bố.
Theo ông Stovall, chỉ số lạm phát tích cực sẽ mang lại cho các nhà đầu tư niềm tin rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn.
Bên cạnh dữ liệu PCE sẽ công bố ngày 28/6 theo giờ địa phương, các nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý vào cuộc tranh luận giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm, ông Donald Trump. Các nhà phân tích cho rằng yếu tố chính trị thường có ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường chứng khoán khi gần đến cuộc bầu cử tháng Mười Một.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2024 từ 0,1% xuống 2,6%, với lưu ý lạm phát giảm nhẹ hơn dự kiến. Về mặt tích cực, IMF đánh giá kinh tế Mỹ đã cho thấy sự vững mạnh, năng động và khả năng thích ứng với những điều kiện toàn cầu đang thay đổi.
Nhà phân tích Ross Mayfield chiến lược đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Baird, lưu ý thị trường đang chờ đợi số liệu PCE khi không có nhiều chất xúc tác lớn”.
Những nhà giao dịch đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của đợt phục hồi trên thị trường chứng khoán, đồng thời kêu gọi sự cần thiết phải đa dạng hóa danh mục đầu tư để phòng ngừa những khoản lỗ lớn có thể xảy ra.
Trong khi đó, theo công cụ FedWatch của LSEG, các nhà đầu tư phần lớn vẫn dự báo về khoảng hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, và có 59,5% khả năng Fed cắt giảm vào tháng Chín.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 2,15 điểm (0,17%) xuống 1.259,09 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,39 điểm (0,16%) lên 240,07 điểm.