Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tránh được những phiên bán tháo sau khi để thủng mất xu hướng tăng dài hạn. Tuy nhiên, tới phiên hôm nay, VN-Index (-1,14%) đã không xuất hiện nỗ lực "rút chân" để hấp thụ lại áp lực. Chỉ số đã rơi xuống mức thấp trong 3 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán khác trong khu vực cũng đều thể hiện kém tích cực như SHCMP (-1,73%), NIKKEI 225 (-0,48%), TWSE (-0,63%).
Chất xúc tác
Trong bối cảnh thanh khoản cơ sở ảm đạm, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh đang tranh thủ "gỡ gạc" từ các vị thế short. Khớp lệnh của HĐTL VN30F1M đã có 5 phiên liên tiếp vượt trên mức bình quân 20 phiên.
Trái ngược lại, trong 5 phiên vừa qua, cơ sở chỉ có 3/5 phiên vượt trên mức bình quân 20 phiên. Quy mô khớp lệnh của HOSE so với phiên hôm qua còn giảm 5,5% xuống 555 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại tăng cường quy mô bán ròng trên HOSE lên 900 tỷ đồng. Một loạt cổ phiếu lớn như FPT (-199 tỷ đồng), VPB (-99,3 tỷ đồng), MSB (-84 tỷ đồng), SSI (-70 tỷ đồng), HPG (-60 tỷ đồng), HDB (-56 tỷ đồng), VCB (-54 tỷ đồng), VHM (-48,25 tỷ đồng) cho thấy lực bán áp đảo so với chiều ngược lại. Cũng theo thống kê, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 12,4% trong giao dịch tổng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang phải cùng lúc giải quyết căng thẳng tỷ giá lẫn thanh khoản của hệ thống. Trong ngày hôm qua, NHNN bơm ròng 19.999,94 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch đang có 84.999,88 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 69.450 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Lãi suất liên ngân hàng ngày hôm qua đã bật lên trên 5,5% ở hàng loạt kỳ hạn. Còn tỷ giá trên thị trường tự do sáng nay cũng trở lại trên 25.700 VND/USD.
Vận động thị trường
Sau một phiên có sự "rút chân" nhẹ, VN-Index cũng đã cố gắng tìm kiếm lại sự cân bằng trong giao dịch. Tuy nhiên, vấn đề của thị trường là sự thiếu lực mua trong những thời điểm đỏ điểm phiên sáng nay. Sang tới phiên chiều, sau khi rướn lên gần tham chiếu, áp lực bán cắt lỗ xuất hiện nhiều hơn.
Sự liên thông của thị trường phái sinh cũng tác động tới cơ sở. Các cổ phiếu Bluechips đều đồng loạt giảm khá mạnh như SSI (-2,9%), HPG (-2,8%), STB (-2,7%), TPB (-2,5%), GVR (-2,5%), CTG (-2,2%), MSN (-2,2%) có biên độ lớn nhất. Chưa kể, một số mã như VHM (+0,1%), VCI (+0,2%) còn từ bỏ những nỗ lực đỡ điểm số. Chỉ số VN-Index đã giảm 14,15 điểm xuống 1.231,89 điểm (-1,14%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 16.131 tỷ đồng, tương đương 692 triệu đơn vị.
Những nhóm ngành chịu tổn thương nhất từ vận động chung của chỉ số là Chứng khoán, Thép, Bất động sản với VCI (-4,77%), VDS (-4,9%), BSI (-6,8%), HCM (-3,2%), VND (-2,4%), AGR (-4,2%), NKG (-4,34%), HSG (-4,26%), TCH (-3%), HDG (-3,3%), NTL (-4,8%), CTD (-6%)…
Ngược lại, các mã VSC (+4,37%), HAH (+4,12%), HAG (+4%), GMD (+1,22%), VTP (+0,53%), HVN (+0,96%) vẫn cố gắng tạo ra những hy vọng mong manh trên thị trường.
Với 2 sàn còn lại, sắc đỏ cũng xuất hiện khi khép lại phiên giao dịch. Chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 1,06% và 0,52%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.200 tỷ đồng.