Định vị thị trường
Mặc dù tài sản rủi ro như Bitcoin đang có đợt phá kỷ lục mới nhưng các thị trường chứng khoán châu Á lại kém tích cực đi. Một loạt các thị trường đã chứng kiến mức giảm trên 1% như SHCMP (-1,39%), KOSPI (-1,94%), TWSE (-2,33%).
Sự tương đồng của chứng khoán Việt Nam cũng được thể hiện với sắc đỏ khi phiên giao dịch khép lại. Điểm khác biệt là dù đã đánh mất xu hướng tăng dài hạn, chỉ số cũng không có tình trạng bán tháo và giảm sâu như các chỉ số trong khu vực.
Chất xúc tác
Phiên hôm qua đã chứng kiến sự chuyển dịch của dòng tiền khỏi nhóm Ngân hàng sang các cổ phiếu Midcap và Penny. Tuy nhiên, áp lực bán ra của nhóm Ngân hàng đến phiên hôm nay đã thu hẹp lại. Điều này dẫn đến thanh khoản của HOSE giảm 27,5% so với phiên hôm qua và xuống dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một đối trọng trên thị trường dù đã giảm quy mô bán ròng hơn 600 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng nhiều nhất là TCB (-103,2 tỷ đồng), PVD (-65,82 tỷ đồng), VHM (-63 tỷ đồng), MSN (-63 tỷ đồng), FPT (-46 tỷ đồng), BID (-36,8 tỷ đồng), VNM (-32,5 tỷ đồng).
Hiện tỷ giá tiếp tục là biến số khiến cho dòng tiền ngoại chưa thể quay trở lại. Chỉ số DXY đang khá gần mốc 106 điểm sau phiên tăng mạnh ngày hôm qua.
Đồng thời khiến cho hành động rút ròng của nhà điều hành xuất hiện trên hệ thống. Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 14.900,01 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch đang có 74.999,9 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 76.550 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Sắc xanh đã hiện diện trên thị trường trong phiên sáng nay nhưng tới phiên chiều chỉ số đã buộc phải quay đầu giảm điểm. Các mã tác động nhiều nhất lên chỉ số là MWG (-3,5%), GVR (-1,5%), MSN (-1,4%), CTG (-1,3%), BVH (-1,2%), FPT (-1,1%).
Các cổ phiếu Ngân hàng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ nhưng so với phiên hôm qua, biên độ giảm của nhóm này đã thu hẹp lại.
Bức tranh giao dịch thị trường chung ghi nhận sắc đỏ chiếm đa số với gần 55% mã giảm giá. Hầu hết chỉ giảm quanh biên độ 1% ngoại trừ trường hợp của PVD do dòng tiền nội chưa thể cân lại áp từ khối ngoại.
Chiều ngược lại, một số mã như HAG, VTP vẫn đóng cửa tăng trần trong đó VTP tiếp tục phá kỷ lục giá. Tuy nhiên các mã này không thể tạo ra sự khuấy động tâm lý với phần còn lại. Các cổ phiếu như DBC (+1,62%), CTR (+1,39%), CMG (+1,74%), CTD (+1,73%), BAF (+2%), REE (+1,23%) đều khó thu hút được dòng tiền dù kết quả giao dịch tích cực hơn so với mặt bằng chung.
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán đã có những thời điểm tăng giá nhưng nhiều mã đã không bảo toàn được thành quả như HCM (-0,3%), DSE (-0,6%), VDS (-0,3%), ORS (-0,7%), VIX (-1%) quay đầu đóng cửa thấp nhất phiên. Điều tương tự cũng xảy ra với MBS (-0,3%), SHS (0%) trên HNX.
Chốt phiên, VN-Index giảm 5,5 điểm xuống 1.244,82 điểm (-0,44%). Thanh khoản toàn sàn đạt 14.222 tỷ đồng, tương đương 600 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,08% và 0,01%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 1.600 tỷ đồng.