Xung đột xảy ra tại Xây dựng Hòa Bình là tranh chấp giữa hai nhóm đối với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT): Ông Lê Viết Hải - người sáng lập và ông Nguyễn Công Phú, người gia nhập công ty từ tháng 6/2021 và từng được dự kiến trở thành Chủ tịch HĐQT từ 1/1/2023 theo một nghị quyết của HĐQT, trong đó có ông Hải ký tên ủng hộ.
Nguồn cơn xung đột
Giữa tháng 12/2022, ông Lê Viết Hải, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty, đồng thời HĐQT đã thông qua việc ông Nguyễn Công Phú đảm nhiệm vị trí thay thế. Nghị quyết HĐQT có hiệu lực từ 1/1/2023.
Tuy nhiên, 1 ngày trước khi Nghị quyết HĐQT có hiệu lực, Hòa Bình công bố Nghị quyết HĐQT nhằm hoãn thi hành các quyết định mà Nghị quyết trước đó thông qua, trong đó có việc ông Hải từ nhiệm. Có nghĩa là, theo Nghị quyết HĐQT ngày cuối năm 2022, ông Hải vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT Hòa Bình.
“Nhóm ông Phú” - bao gồm ông Phú và 3 thành viên khác của HĐQT đã lên tiếng thông qua một thông cáo báo chí gửi đi với tư cách cá nhân, rằng những quyết định của Nghị quyết HĐQT công bố ngày 31/12/2022 là không có hiệu lực, và do vậy, ông Phú đương nhiên là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của công ty.
Việc phủ nhận của nhóm ông Phú dựa trên cơ sở “nhóm ông Hải” đã triệu tập HĐQT lần thứ hai, nhưng chỉ được 4/8 thành viên HĐQT tham gia, do vậy không đủ điều kiện tiến hành - theo điều lệ công ty.
Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Hải, trong cuộc họp đó, ông Phú có tham gia qua nhóm Viber và nhắn tin phản đối. Ý kiến của ông Phú đã được ghi nhận vào biên bản cuộc họp. Với sự tham gia online của ông Phú, cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 đã có 5/8 người tham dự, đủ điều kiện theo quy định của điều lệ công ty.
Việc từ nhiệm của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT công ty là nhằm mục đích hợp thức hóa vị trí Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, hai vị trí Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT của công ty đại chúng không được có quan hệ huyết thống.
Nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo tại Hòa Bình, ông Lê Viết Hải thành lập Hội đồng sáng lập và giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Tuy nhiên, Hội đồng sáng lập không được quy định chức năng, nhiệm vụ tại Luật doanh nghiệp, do vậy không có thực quyền.
Ông Lê Viết Hải và con trai - ông Lê Viết Hiếu.
Vô hiệu hóa Nghị quyết HĐQT cần phải có quyết định từ tòa án
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của Hoà Bình, Luật sư Phạm Văn Phất - Văn phòng Luật An Phát Phạm phân tích: “Khi chưa có quyết định có hiệu lực của Tòa án xác định một nghị quyết của HĐQT là vô hiệu thì Nghị quyết đó vẫn được coi là hợp pháp. Trong trường hợp của công ty Hòa Bình, ông Hải vẫn được coi là Chủ tịch HĐQT hợp pháp cho đến khi Nghị quyết đó được xác định là không có giá trị pháp lý bởi 1 quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp những người đang có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết của HĐQT vẫn thực hiện nghị quyết thì những người cho rằng Nghị quyết không hợp pháp sẽ phải yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của nghị quyết đó”.
Như vậy, nếu không có quyết định từ tòa án, ông Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Hòa Bình - ông Phất nhận định.
Xây dựng Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp duy nhất 8 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Hoà Bình)
Việc một nhóm cổ đông hay thành viên HĐQT muốn vô hiệu hóa một Nghị quyết HĐQT (như cách nhóm ông Phú vừa tiến hành) đã từng xảy ra nhiều lần trên thị trường. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, cổ đông doanh nghiệp mới là người phản đối Nghị quyết HĐQT, vì cho rằng HĐQT đã ra quyết định không dựa trên lợi ích cổ đông.
Có thể kể đến các sự kiện như cổ đông CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist năm 2017 đã khiếu kiện vô hiệu hóa một Nghị quyết HĐQT ban hành từ năm 2015. Cổ đông này đã thắng kiện, tòa án ra phán quyết hủy bỏ Nghị quyết HĐQT nói trên.
Năm 2019, một thành viên HĐQT Eximbank cũng khởi kiện đề nghị vô hiệu hóa một nghị quyết HĐQT và được tòa án chấp thuận như một giải pháp khẩn cấp.
Trong các trường hợp Nghị quyết HĐQT bị vô hiệu hóa, điều kiện tiên quyết là một phán quyết của tòa án. Có nghĩa là, muốn vô hiệu hóa một Nghị quyết HĐQT đã được công bố, nhóm phản đối phải khởi kiện và đưa lý do phù hợp.