Doanh nghiệp chủ yếu trả hợp đồng đã ký
Thông tin về tình hình xuất khẩu hiện nay, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH XNK Lương thực - Thực Phẩm XNK Miền Nam cho biết, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo cho các thương nhân Philippines tđang đóng hàng (OM 5451), Đài Thơm 8 giao cho thị trường này, một số doanh nghiệp khác bán gạo (vụ Đông Xuân) đi thị trường châu Phi, Malaysia và Indonesia… cũng đang đóng hàng giao cho khách mua.
Nhận định tổng quan về thị trường gạo ông Kiệt cho rằng, thị trường gạo xuất khẩu vẫn giao dịch chậm, đa phần là doanh nghiệp trả hợp đồng đã ký còn giao dịch mới vẫn chưa khởi sắc. Dự kiến, trong tháng 7 và tháng 8 nguồn lúa hàng hóa của Campuchia và Việt Nam sẽ dồi dào thị trường.
Trong khi đó, Thái Lan cũng đang giảm giá bán gạo để chuẩn bị mùa thu hoạch mới. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu sớm nhất trong năm 2024, vì vào tháng 10 tới đây, nước này sẽ vào vụ thu hoạch lớn nhất thế giới.
Do những diễn biến trên thị trường khiến giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan giảm liên tiếp từ 5-10 USD/tấn, tương đương giá 570-580 USD/tấn; giá gạo 5% tấm vụ Đông Xuân của Việt Nam đang giao dịch quanh mức từ 580 đến 585 USD/tấn, giá FOB cho những hợp đồng đã ký Malaysia lúc trước; gạo Hè Thu mới ở đồng bằng sông Cửu Long loại 5% tấm, khách hàng trả giá cao nhất từ 530-540 USD/tấn.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm do hoạt động mua của các thương nhân Philippines đang chậm lại, vì họ đang chờ đợi những thay đổi về chính sách nhập khẩu từ nước mua gạo số 1 trên thế giới - Philippines có hiệu lực.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu sẽ có trên thị trường vào tháng này, có thể khiến giá tiếp tục giảm trong những tuần tới.
Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo Việt Nam
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 6 xuất khẩu gạo đạt 513.409 tấn, trị giá trên 323,408 triệu USD, so với tháng trước giảm 40% về lượng và giảm 38% về kim ngạch. Lũy kế, 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt trên 4,548 triệu tấn, trị giá trên 2,888 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,4% về lượng và tăng 28,1% về trị giá.
Tháng 6, các thị trường mua nhiều nhất là: Malaysia, Philippines, Cuba, Ghana, Indonesia, Libya, Bờ Biển Ngà, Turkey, Singapore, Trung Quốc, Ukraine...
6 tháng đầu năm nay, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, đạt trên 1,938 triệu tấn, tương đương 1,206 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,09% về lượng và tăng 40,6% về trị giá.
Về thứ hai là Indonesia đạt 712.438 tấn, trị giá trên 444,413 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 44,56% về lượng và tăng 82.09% về kim ngạch.
Thứ ba là Malaysia đạt 461.555 tấn, trị giá 274,718 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 2,36 lần về khối lượng và tăng 2,88 lần về giá trị. Thứ tư thuộc về Ghana với 252.205 tấn gạo, tương đương 176,444 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 7,82% về khối lượng nhưng tăng 14,27% về trị giá. Trung Quốc đứng thứ 5 với 214.592 tấn, trị giá 125,697 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 68,32% về lượng và giảm 67,82% về kim ngạch.
Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Philippines, lượng gạo nhập khẩu của nước này đã vượt 2,3 triệu tấn trong nửa đầu năm nay, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy, tổng lượng gạo nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 27/6, cao hơn mức 1,86 triệu tấn được ghi nhận trong giai đoạn tham chiếu.
Trong giai đoạn này có hơn 1,71 triệu tấn gạo nhập khẩu từ Việt Nam, và nước này vẫn là nguồn cung gạo hàng đầu của Philippines. Tiếp theo là Thái Lan với 349,731 nghìn tấn...
Dữ liệu từ cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) cũng cho thấy, BPI đã phê duyệt và cấp 4.408 giấy phép nhập khẩu vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPSIC) cho phép nhập khẩu 5 triệu tấn gạo...
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines lên 4,7 triệu tấn vào năm 2025 do nhu cầu tiêu dùng tăng và thuế quan giảm. Cơ quan này cũng tăng dự báo nhập khẩu gạo năm 2024 của Philippines lên 4,6 triệu tấn, tăng 500.000 tấn sau khi thuế nhập khẩu giảm xuống 15% cho đến năm 2028.
Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng gạo năm 2024/25 về cơ bản không thay đổi so với dự báo hồi tháng 6/2024. Mức tiêu thụ gạo năm 2024/25 tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 6/2024, và vẫn được dự báo sẽ tăng lên mức cao kỷ lục do lượng gạo sử dụng làm lương thực nhiều hơn.
Thương mại gạo năm 2024 giảm, chủ yếu do dự báo nhập khẩu gạo của Trung Quốc giảm, lượng gạo nhập khẩu của nước này hiện ở mức thấp nhất trong 13 năm.