Những động thái trên của các nước đã đẩy giá lúa gạo toàn cầu tăng mạnh và khiến giá lúa gạo trong nước đang rất căng thẳng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giá gạo tiếp tục tăng thì tình hình thị trường sẽ còn phức tạp hơn
Giá gạo 5% tấm trong nước tăng mạnh 30 USD/tấn
Ngày 28/7/2023, dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng 30 USD/tấn, dao động ở mức 563-567 USD/tấn; gạo 5% tấm Thái Lan tăng 59 USD/tấn và đạt mức giá từ 603-607 USD/tấn; gạo 5% tấm của Ấn Độ tăng nhẹ 3 USD/tấn, và dao động quanh mức 493-497 USD/tấn; gạo 5% tấm của Pakistan tương đương mức cũ, dao động từ 533-537 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê, lượng gạo xuất khẩu từ ngày 01/07 đến 15/07/2023 đạt 249.273 tấn, trị giá 135,449 triệu USD, so với cùng kỳ về số lượng giảm 22,84% và về trị giá giảm 15,18%. Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ước đạt 4,483 triệu tấn, trị giá 2,390 tỷ USD, so với cùng kỳ 2022 tăng 17,48% về số lượng và tăng 28,04% về trị giá.
Trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, như lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước (Ấn Độ, Nga, UAE), hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực, diễn biến địa chính trị còn tiếp diễn, để góp phần tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, bảo đảm xuất khẩu và cân đối tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước, bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, tiếp sau công văn số 548 ngày 21/7, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Nhật Tân, có công văn gửi VFA và các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Công văn đề nghị thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP (NĐ 107) của chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại NĐ 107, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo tại thị trường trong nước.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu cần báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại NĐ 107. Mặt khác, chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo toàn cầu; trao đổi với VFA, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo tại thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật Tân nói.
Đa phần doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ đứng giữa hưởng chênh lệch giá
Đối với việc giá lúa gạo trong nước tăng đột ngột như hiện nay, các doanh nghiệp gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đều cho rằng, không phải giá lúa gạo tăng là tốt cho nông dân và doanh nghiệp, trái lại đã gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, vì trên thị trường đang xảy ra tình trạng các cò lúa, và hàng xáo lật kèo không giao hàng cho doanh nghiệp, để lại bán người mua giá cao hơn làm cho doanh nghiệp không đủ gạo giao cho khách hàng, dẫn đến nguy cơ bồi thường hợp đồng.
Nếu có giao hàng thì hàng không bảo đảm chất lượng, không nhận thì không có gạo nên doanh nghiệp buộc phải nhận hàng, tình trạng này đang xảy ra trên thị trường lúa gạo Việt Nam, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng như vị thế hạt gạo Việt mà cả nước đã dày công xây dựng hàng mấy chục năm qua.
Trong khi đó, Điều 4. NĐ 107 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nêu rõ, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa lúa, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa lúa, gạo.Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến lúa, gạo.
Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê.
“Tình hình thị trường lúa, gạo tăng đột ngột và cao ngất ngưởng như hiện nay rất khó làm ăn được, giá gạo xuất khẩu tăng nhưng không một doanh nghiệp nào dám ký hợp đồng.
Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi hy vọng chính phủ sớm có chính sách phù hợp về xuất khẩu gạo để cả nông dân và doanh nghiệp cùng thắng, vì thực ra diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch không còn nhiều, giá lúa tăng chỉ làm lợi cho những nhà đầu cơ lúa, gạo”, một doanh nghiệp gạo ở miền Tây nói.
Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.HCM, khi giá lúa, gạo tăng đột ngột và bên cung ứng lật kèo mới thấy đa phần doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đầu tư sản xuất, kinh doanh theo NĐ 107 mà chỉ đi mua gom, đến khi có trong tay một số lượng gạo nhất định họ mới ký hợp đồng, đứng giữa hưởng chênh lệch giá, khi thị trường tăng giá đột ngột và bị lật kèo lập tức bị động ngay do trong kho không có gạo dự trữ. Do vậy, trong tình hình này hầu hết doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo trước nay đều bị lỗ từ nặng tới nhẹ.
Trong khi đó, về “Dự trữ lưu thông”, Điều 12. NĐ 107 quy định, Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó. Do vậy, bây giờ là thời điểm thích hợp để Bộ Công Thương giảm bớt các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thương mại, không tự sản xuất ra lúa gạo.