Sau khi một loạt các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ Quốc hội Mỹ thông qua trần nợ công, các chỉ số chứng khoán tiên phong của châu Á cũng tiếp tục mở đầu tuần giao dịch đầy tích cực.
NIKKEI 225 đã cải thiện thành tích lên 23,46% nhờ phiên tăng 2,2%. Còn KOSPI (+16,95%), TWSE (+18,23%) cũng đang bám đuổi khá sát.
VN-Index sau phiên bứt phá khỏi đường MA200 cũng đang có đà đi tiếp và nới thành tích giá lên hơn 9%.
Chất xúc tác
Dòng tiền ngoại trên HOSE đã bị rút ra khiến giá trị mua ròng từ đầu năm bị đánh mất hoàn toàn. Kể cả phiên giao dịch đầu tuần, khối ngoại cũng bán ròng hơn 110 tỷ đồng.
Những nỗ lực giữ thanh khoản thị trường ở mức cao hoàn toàn đến từ nhà đầu tư nội.
Sau 2 tuần bơm ròng, cơ quan quản lý vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái thanh khoản. Theo thống kê, tuần vừa qua là tuần bơm ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị ròng đạt 24 nghìn tỷ đồng. Gần như hoạt động hút tiền qua OMO đang là không đáng kể.
Nhờ đó, HOSE vẫn đang trong giai đoạn thanh khoản tốt nhất từ đầu năm. 18/19 phiên vừa qua, khớp lệnh đều đạt trên mức bình quân 20 phiên.
Vận động nhóm ngành
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã đóng góp rất lớn trong 2 phiên cuối tuần. Trong ngày đầu tuần, nhóm Ngân hàng đã có sự phân hóa nhẹ. VCB (+3,3%) trở lại với vai trò dẫn dắt tâm lý sau khi có thông tin NHNN chấp thuận cho trả cổ tức tỷ lệ 18,1%. Vietcombank sẽ vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank.
Dù vẫn có một số mã tăng giá như SHB (+2,5%), LPB (+2%) nhưng số lượng lớn các cổ phiếu điều chỉnh đã xuất hiện như OCB (-1,9%), STB (-0,9%), TCB (-0,9%), TPB (-0,8%), VPB (-0,5%), MSB (-0,4%), ACB (-0,2%).
Rổ VN30 dù vậy vẫn có những cổ phiếu lớn khác như MSN (+2,5%), GAS (+2,2%), PLX (+2,2%), MSN (+2,5%), POW (+2,2%) để chia sẻ bớt trách nhiệm từ Ngân hàng. Theo thống kê, có 16/30 mã tăng giá trong rổ. Nhờ đó, VN-Index vẫn duy trì sắc tới hết phiên, đóng cửa tăng 0,64% lên 1.097,82 điểm.
Thậm chí, đã có thời điểm trong phiên, chỉ số vươn qua 1.100 điểm tuy nhiên đây là vùng kháng cự không dễ dàng với thị trường. Kể từ tháng 12/2022, đã có nhiều lần VN-Index không thể bứt phá thành công.
Với thị trường chung, diễn biến biến tâm lý cũng đã trở nên thận trọng hơn. Ngoài một số cổ phiếu ở nhóm Hóa chất như DCM (+3,04%), DPM (+2,6%), DGC (+4,97%) vẫn tăng giá khá tốt thì nhiều nhóm như Chứng khoán, Khu Công nghiệp, Đầu tư công đều giảm giá khi kết phiên VND (-1,37%), VCI (-1,86%), HCM (-2,01%), SSI (0%), BSI (-2,98%), FTS (-3,52%), KBC (-2,62%), VGC (-2,89%), HHV (-1,7%), FCN (-1,99%), LCG (-1,83%), VCG (-0,92%).
Độ rộng của HOSE gần như không chênh lệch với 201 mã tăng so với 199 mã giảm. Trong trường hợp điều chỉnh có xảy ra thì trạng thái thị trường có lẽ sẽ không tiêu cực bởi thanh khoản khả quan. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 17.560 tỷ đồng, tương đương 948,36 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 0,23% và 0,18%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.